TS. Lê Xuân Nghĩa: Cho vay doanh nghiệp không thể công bố lãi suất cụ thể

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu buộc phải công khai lãi suất cho vay doanh nghiệp, có khả năng ngân hàng chỉ công bố khoảng lãi suất cho vay của một gói tín dụng...

le-xuan-nghia-7196.jpeg

Lãi suất là một công cụ quan trọng của chính sách tiền tệ, yếu tố mang tính quyết định để dòng tiền chảy từ hệ thống ngân hàng vào nền kinh tế. Do đó, lãi suất và tín dụng luôn song hành cùng nhau. Với bối cảnh hiện tại, khi tín dụng chưa thể khơi thông, việc lãi suất được giới đầu tư đem ra "mổ xẻ", là điều cũng dễ hiểu.

Xoay quanh vấn đề lãi suất trong thời gian tới, chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Nghĩa đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí. Thương gia xin gửi tới bạn đọc nội dung cuộc trao đổi này.

Người gửi tiết kiệm đang khá quan ngại về việc mặt bằng lãi suất tiết kiệm ở mức rất thấp, thậm chí có thể còn giảm nữa. Theo ông, lãi suất huy động của các ngân hàng liệu có khả năng giảm thêm?

Lãi suất huy động phụ thuộc vào ba biến số: lạm phát cao hay thấp, rủi ro cao hay thấp, kỳ hạn dài hay ngắn. Lãi suất phải tính trung hạn, chứ không thể ngắn hạn.

Theo đó, với dự báo lạm phát của Việt Nam trong những năm tới ở mức 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải tối thiểu từ 4%/năm trở lên.

Gửi tiết kiệm ngân hàng rủi ro thấp, nên yếu tố này không phải là vấn đề. Còn lại, đối với câu chuyện cấu trúc kỳ hạn, đương nhiên khách hàng gửi ngắn hạn lãi suất thấp, dài hạn được hưởng lãi suất cao, nhưng ít nhất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn phải thực dương thì người dân mới gửi tiết kiệm.

Với dự đoán lạm phát như đề cập ở trên, tôi cho rằng, khó có thể hạ lãi suất huy động trong thời gian tới vì không đảm bảo nguyên tắc thực dương.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, nếu lãi suất huy động ở mức rất thấp, không đủ bù đắp cho trượt giá, người dân sẽ hạn chế gửi tiền vào ngân hàng, mà tìm kiếm kênh đầu tư cho lợi suất cao hơn như bất động sản, vàng, ngoại tệ, chứng khoán…

Khi đó, khả năng huy động vốn của các ngân hàng thu hẹp lại và đương nhiên khả năng cho vay thu hẹp lại. Đây chính là bẫy thanh khoản. Thanh khoản hệ thống ngân hàng gặp khó khăn khi kinh tế phục hồi, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh tăng lên. Nói tóm lại, không thể hạ lãi suất tiền gửi thêm nữa.

Vậy xu hướng lãi suất cho vay ra sao, theo ông?

Lãi suất khoản vay trung dài hạn tại các ngân hàng thương mại nhà nước hiện tương đối thấp, nhưng ở các ngân hàng thương mại cổ phần vẫn còn khá cao, với dải lãi suất cho vay từ 9 - 12%/năm.

Nguyên nhân là giá vốn của các ngân hàng này ở mức khá cao. Tuy vậy, cùng với thời gian, nguồn huy động lãi suất cao giảm dần, đây là cơ hội cho các ngân hàng cũng giảm dần lãi suất cho vay.

Tôi cho rằng, không thể giảm thêm lãi suất tiền gửi nhưng có thể giảm lãi suất cho vay. Vì lãi suất cho vay phụ thuộc vào nhu cầu vốn của doanh nghiệp, hộ cá nhân…. Trong khi hiện tại, nhu cầu hấp thụ vốn thấp, bị hạn chế bởi sức cầu với hàng hóa, dịch vụ yếu. Đây là yếu tố buộc các ngân hàng cũng phải tính toán việc hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh.

Nếu lạm phát ở mức 3 - 4%, lãi suất thực dương cho tiền gửi tiết kiệm phải từ 4%/năm trở lên

Tuy nhiên, vẫn có dự báo lãi suất cho vay không những không giảm mà còn tăng, thưa ông?

Đúng vậy. Điểm đáng chú ý có liên quan liên quan đến thị trường bất động sản. Đây là lĩnh vực tham gia vào việc hình thành lãi suất cho vay bình quân trên thị trường rất mạnh mẽ.

Nói cách khác, cho vay mua nhà, phát triển các dự án bất động sản chiếm một tỷ trọng khá lớn trong tổng tín dụng. Con số được Ngân hàng Nhà nước công bố là 22%, nhưng con số chúng tôi thống kê được có thể trên 30%. Đây là khu vực có sự tham gia rất mạnh mẽ của các tập đoàn sở hữu ngân hàng.

Vì vậy, lãi suất cho vay còn phụ thuộc vào sự sôi động của thị trường này. Nếu thị trường bất động sản sôi động trở lại thì cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm được.

Tôi muốn nhấn mạnh một thực tế trên thị trường bất động sản: phân khúc chung cư căn hộ tăng giá rất nhanh, thậm chí còn tăng với tốc độ nhanh hơn trước khi có khủng hoảng thị trường bất động sản do khan hiếm nguồn cung và nhu cầu về căn hộ lớn.

Trong khi các phân khúc khác như biệt thự, nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê đang trầm lắng, đặc biệt, nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội đang bế tắc, cả về cơ sở pháp lý, nguồn đất dù nhu cầu rất lớn. Điều này đang dần hình thành nguy cơ thị trường bất động sản phân khúc nhà chung cư cao cấp phục hồi lại, trong khi các phân khúc khác vẫn trì trệ.

Khi phân khúc căn hộ cao cấp phục hồi trở lại đồng nghĩa với việc người mua nhà là đầu cơ, chứ không phải ở thực, bởi giá chung cư lên đến 80 - 100 triệu đồng/m2 thì người lao động bình thường không thể chi trả được.

Điều này sẽ đẩy lãi suất cho vay nhích lên và đồng thời, việc tái cấu trúc lại thị trường bất động sản theo cơ chế phân khúc như chỉ đạo là thất bại và bong bóng của phân khúc này sẽ xảy ra, đẩy thị trường bất động sản vào rủi ro cao hơn.

Tín dụng tính đến cuối tháng 1/2024 giảm so với cuối năm 2023. Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, một trong những giải pháp được cơ quan quản lý đưa ra là các ngân hàng phải niêm yết lãi suất cho vay. Ông có nhận xét gì về điều này?

Theo tôi, công bố lãi suất cho vay đối với sinh viên hay cá nhân hoặc cho vay tiêu dùng thì được, nhưng cho vay doanh nghiệp không thể công bố lãi suất cụ thể vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như có tài sản đảm bảo hay không, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp… Có chăng chỉ là công bố khoảng lãi suất cho vay của một gói tín dụng.

Nguyên nhân chính tín dụng giảm là do không có đầu ra, tuy nhiên, cũng có vấn đề lãi suất cao khiến doanh nghiệp muốn đầu tư trung, dài hạn e ngại. Cụ thể, dù nhiều doanh nghiệp có tầm nhìn, muốn đầu tư lớn để áp dụng công nghệ giảm phát thải khí nhà kính, kể cả trong sản xuất thép, xi măng, giày da… nhưng lãi suất cao khiến doanh nghiệp không dám đầu tư thay đổi công nghệ để đảm bảo tiêu chí xuất khẩu vào châu Âu đến năm 2026.

Chênh lệch bình quân tiền gửi với bình quân cho vay ở các nước có thể cao nhưng ở Việt Nam, với bình quân lãi suất huy động khoảng 4 - 4,5%/năm, thì mức chênh lệch 2,7 - 3% (nghĩa là bình quân lãi suất cho vay khoảng 7 - 7,5%/năm) là hợp lý, không gây ra rủi ro.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...