TT Donald Trump, người đang tổ chức một loạt các cuộc họp bên lề với các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm có Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Đồng thời TT Trump cho biết ông thấy triển vọng thương mại của Mỹ ngày càng được cải thiện, chỉ vài ngày sau khi chỉ trích hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật và yêu cầu New Delhi rút lại thuế quan trả đũa.
“Tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có một số tin rất "hot" để công bố. Một thoả thuận thương mại rất lớn. Hoa Kỳ đã làm một số việc lớn cùng Ấn Độ về mặt thương mại”, ông Trump nói khi bắt đầu cuộc đàm phán với Thủ tướng Ấn Độ.
TT Donald Trump cũng cho biết, ông và nhà lãnh đạo Nhật bản cũng đang thảo luận về việc mua thiết bị quân sự của Nhật bản, mặc dù sau đó một quan chức Nhật Bản cho biết chủ đề này đã không được đưa ra trong cuộc họp. Tokyo và Washington có các cuộc đàm phán thương mại khá khó khăn khi chính quyền Donald Trump đang phải tìm cách giảm thâm hụt thương mại tại Mỹ.
Bộ trưởng Kinh tế Nhật bản Toshimitsu Motegi và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer sẽ gặp nhau sau đó tại Osaka. Sau cuộc hội đàm giữa TT Donald Trump và Thủ tướng Shinzo Abe, một quan chức Nhật Bản đã nói với các phóng viên rằng hai nhà lãnh đạo đã đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán thương mại và củng cố niềm tin liên minh an ninh Mỹ - Nhật.
Thủ tướng Abe hoan nghênh chuyến viếng thăm của TT Trump, gọi các cuộc họp thường niên của họ là “bằng chứng cho thấy liên minh mạnh mẽ giữa Nhật Bản – Hoa Kỳ”. Sau đó, ông kêu gọi các nhà lãnh đạo G-20 gửi một thông điệp mạnh mẽ để hỗ trợ thương mại tự do, công bằng; đồng thời cũng cảnh báo những căng thẳng thương mại và địa chính trị đang gia tăng, gây ra nhiều rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo về các bước bảo hộ mà theo ông một số nước phát triển đang thực hiện. “Việc này đang phá huỷ trật tự thương mại toàn cầu, tác động tới lợi ích chung của các nước chúng ta, làm lu mờ nền hoà bình và ổn định trên thế giới”, ông Tập Cận Bình nói với một nhóm các nhà lãnh đạo BRICS bên lề cuộc họp G-20. Tổng thống Putin cũng cho biết: “Tình hình kinh tế thế giới hiện thật đáng lo ngại khi thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa bảo hộ và những hạn chế thúc đẩy chính trị.”
Cuộc họp thương mại cấp cao giữa TT Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ được diễn ra vào thứ Bảy (29/6) theo giờ địa phương, đẩy mạnh thảo luận về những lo ngại của Hoa Kỳ đối với nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei. Washington đã thúc ép các đồng minh của mình “xa lánh” Huawei cũng như mạng 5G của hãng vì lí do an ninh, nhưng cũng cho rằng đây có thể là một yếu tố trong thoả thuận thương mại với Bắc Kinh.
Chứng khoán châu Á “trượt ngã” trong ngày (28/6) giữa những nghi ngờ gia tăng về cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Tập Cận Bình.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Junker chia sẻ: “Quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang rất khó khắn, chính họ đã góp phần làm chậm lại nền kinh tế toàn cầu.”
Theo Reuters