Từ 18/2, ngừng miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng qua chuyển phát nhanh

Quy định mới được kỳ vọng sẽ tạo ra sự công bằng hơn trong việc áp dụng thuế đối với các loại hàng hóa nhập khẩu, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng gia tăng...

Thực tế, người tiêu dùng có thể mua nhiều đơn hàng từ nước ngoài chỉ với giá vài chục nghìn đồng

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg ngày 3/1/2025 bãi bỏ toàn bộ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế.

Trước đó, ngày 30/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Quyết định này được Chính phủ thực hiện theo cam kết Công ước Tokyo.

Theo Quyết định 78, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (VAT).

Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật

Lý giải về việc ngừng miễn thuế, Bộ Tài chính cho biết nhiều nước như Anh, Australia, Thái Lan, Singapore... đã bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Nhiều chuyên gia dự án tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến nghị Việt Nam cân nhắc bỏ quy định này.

Đây cũng là tin mừng với doanh trong nước, khi việc bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới một triệu đồng qua chuyển phát nhanh là một bước đi quan trọng trong việc tạo dựng môi trường cạnh tranh công bằng cho hàng hóa sản xuất trong nước.

Trước đây, hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp thường được miễn thuế, giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng nhưng đồng thời cũng tạo ra sự không công bằng đối với các sản phẩm sản xuất trong nước, vốn phải chịu thuế và chi phí sản xuất cao hơn. Việc áp dụng thuế nhập khẩu đối với tất cả hàng hóa, kể cả những sản phẩm có giá trị thấp, sẽ giúp bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong nước, khuyến khích sản xuất nội địa phát triển và giảm thiểu sự phụ thuộc vào hàng hóa ngoại nhập.

"Việc bỏ quy định miễn thuế để đảm bảo công bằng, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước", Bộ Tài chính thông tin.

Thời gian qua các sàn thương mại có tốc độ tăng trưởng rất mạnh, hàng hóa giá trị nhỏ nhập khẩu cũng chủ yếu được giao dịch qua các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada... Ước tính, hàng ngày có khoảng 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử.

Theo báo cáo hoạt động thương mại điện tử 9 tháng đầu năm 2024 của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, hàng dưới 200.000 đồng chiếm hơn một nửa doanh số toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam. Người Việt chi 1 tỷ USD mua hàng online mỗi tháng.

Do vậy, việc bỏ miễn thuế được đánh giá sẽ góp phần bổ sung nguồn lực cho Ngân sách Nhà nước. Năm ngoái, tổng hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỷ đồng. Tương ứng, số thu ngân sách từ thuế VAT có thể tăng khoảng 2.700 tỷ đồng sau khi ngừng miễn thuế.

Từ cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu, để đảm bảo tính đồng bộ của chính sách thuế và thông lệ quốc tế đối với hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị nhỏ, thực hiện đúng chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đồng thời đảm bảo thu đủ thuế, đảm bảo công bằng với sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01.

Có thể bạn quan tâm