Tại chương trình Tin Dùng Việt Nam năm 2024, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam nhận định, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Việt Nam có cơ hội trở thành cứ điểm mới trong xu hướng tái cấu trúc của các công ty đa quốc gia trong ngành bán lẻ.
TIỀM NĂNG BÙNG NỔ THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 13% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 17,3%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 11/2024 ước đạt 562 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gần 13 %; doanh thu du lịch lữ hành tăng 12,5% do lượng khách quốc tế đến Việt Nam và khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cùng với đó, báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, tại khu vực Châu Á, thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao. Việt Nam xếp đứng vị trí thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng và mức độ hấp dẫn đầu tư trong lĩnh vực bán lẻ toàn cầu. Các chuyên gia cũng dự đoán, trong khoảng từ 5 - 10 năm tới, kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống bán lẻ nói riêng vẫn được đánh giá là rất tiềm năng và có mức độ hấp dẫn hàng đầu trong khu vực.
Phát biểu tại chương trình Tin Dùng Việt Nam năm 2024, PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam nhận định, với những tốc độ tăng trưởng và tiềm năng đang có, Việt Nam có cơ hội trở thành cứ điểm mới trong xu hướng tái cấu trúc của các công ty đa quốc gia trong ngành bán lẻ. Hơn nữa, thị trường trong nước ngày càng hội nhập và có độ mở lớn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới phân phối toàn cầu.
TĂNG CƯỜNG MÔ HÌNH BÁN LẺ HIỆN ĐẠI
Bên cạnh những tiềm năng nội lực, doanh nghiệp bán lẻ phát triển đòi hỏi yếu tố bền vững, thấu hiểu người tiêu dùng, cùng với đó là yêu cầu nắm bắt xu hướng đổi mới hiện đại. PGS.TS Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, phát triển hệ thống bán lẻ nhanh và bền vững cần hướng tới việc thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển các mô hình bán lẻ hiện đại, phát triển các mô hình đa kênh, tăng cường trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa quản trị chuỗi cung.
Ông Linh cũng chỉ ra, trên thực tế, kỷ nguyên kỹ thuật số đã mở ra một làn sóng tiến bộ công nghệ giúp thương mại điện tử không ngừng phát triển và được thúc đẩy. Trong bối cảnh dân chủ hóa thương mại ấy, người tiêu dùng không chỉ tìm kiếm các giao dịch thuận tiện và hiệu quả mà còn tìm kiếm những trải nghiệm cá nhân hóa và phong phú. Mặt khác, các thương hiệu cũng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đề cao trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững, hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn.
Nhấn mạnh những mũi nhọn của ngành bán lẻ, nhà báo Đào Quang Bính, Tổng giám đốc, Tổng thư ký Tòa soạn Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times nhấn mạnh thúc đẩy tiêu dùng bền vững và bảo vệ môi trường là một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành bán lẻ trong năm 2024. Ông Bính dự đoán, năm 2025 sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mang tính bước ngoặt cho thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Các xu hướng mới, từ việc áp dụng công nghệ trong thương mại điện tử đến sự phân hóa trong hành vi tiêu dùng, không chỉ định hình lại thị trường mà còn tạo ra những cơ hội và thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Theo ông Bính, hành vi tiêu dùng tại Việt Nam sẽ trải qua những thay đổi sâu sắc, khi người tiêu dùng phải thích nghi với các phương thức mua sắm mới để đảm bảo chất lượng cuộc sống mà không vượt quá khả năng tài chính. Trong đó, thương mại điện tử không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số, tạo nên hành trình mua sắm đa kênh, mà còn góp phần đưa Việt Nam đạt được mục tiêu doanh thu bán lẻ lớn hơn, với 10% tổng doanh thu bán lẻ đến từ thương mại điện tử vào năm 2025.
Chương trình Tin Dùng Việt Nam 2024 với chủ đề "Thương hiệu tích cực – Tiêu dùng bền vững" đã vinh danh top 50 sản phẩm, dịch vụ tin dùng Việt Nam 2024 và top 10 sản phẩm – dịch vụ ấn tượng 2024, giải thưởng được trao cho được trao cho các doanh nghiệp có yếu tố tích cực, bền vững trong năm qua