Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, đến cuối tháng 10, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 11,4 triệu tỷ đồng, tăng gần 5.800 tỷ đồng so với tháng 9. Mức tăng chủ yếu nhờ nhóm khách hàng dân cư.
Tiền gửi của dân cư tiếp tục tăng hơn 21.500 tỷ đồng so với tháng trước lên hơn 5,66 triệu tỷ đồng. Mặt khác, tiền gửi của các tổ chức kinh tế sau khi tăng mạnh trong tháng 9 đã quay đầu giảm 15.811 tỷ đồng, xuống còn 5,76 triệu tỷ đồng.
So với đầu năm, tổng tiền gửi của toàn hệ thống tăng 4,39%, tương đương tăng 480.780 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi dân cư tăng 6,78%, tiền gửi của tổ chức kinh tế tăng 2,15%.
Tại cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đánh giá nhờ các giải pháp điều hành linh hoạt, thị trường ngoại tệ đã bớt căng thẳng, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động của ngân hàng với doanh nghiệp và dân cư vẫn cao, phổ biến từ 9-10% với kỳ hạn trên 12 tháng. Trong đó, một số ngân hàng huy động tới 11,5%.
So với cuối năm 2021, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3-4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.
"Điều này gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn với cả người gửi tiền và đi vay", Tổng thư ký VNBA nhận xét.
Trước tình hình đó, VNBA kêu gọi các hội viên là ngân hàng thương mại thống nhất mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5% trên năm, kể cả các khoản khuyến mại cộng lãi suất. Điều này nhằm ổn định mặt bằng huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống.
Đại diện các tổ chức tín dụng trước lời kêu gọi này cho biết thống nhất quan điểm chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và ủng hộ đề xuất giới hạn trần lãi suất huy động ở mức 9,5%/năm.