USD vượt mốc 23.700 đồng, cao nhất trong hai năm

Sau khi tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố. Các ngân hàng đồng loạt nâng giá bán USD vượt 23.700 đồng, mức giá khá gần với thị trường tự do.
USD vượt mốc 23.700 đồng, cao nhất trong hai năm

Sáng 8/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố tiếp tục tăng 20 đồng lên 23.281 đồng. Với biên độ 3%, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại không thấp hơn giá sàn 22.582 đồng và không vượt quá 23.979 đồng.

Giá USD tại các nhà băng sáng nay thay đổi không đáng kể so với cuối chiều qua, nhưng đã tăng 60 đồng chỉ trong hai ngày, hiện vượt 23.700 đồng - mức cao nhất từ tháng 3/2020. So với đầu năm, giá USD ngân hàng hiện tăng khoảng 3,5%.

Cụ thể, giá đôla tại Vietcombank lên mức kỷ lục 23.430 - 23.740 đồng, tăng 60 đồng so với hai ngày trước. BIDV cũng yết giá ở mức tương tự, 23.460 - 23.740 đồng.

Tại Eximbank, giá USD mua bán tương ứng ở mức 23.450 - 23.700 đồng, còn Techcombank yết giá 22.422 - 23.708 đồng.

Riêng Sacombank - nhà băng vốn yết giá bán cao hơn so với thị trường - đã nâng giá USD gần chạm 24.000 đồng. Cụ thể, Sacombank mua vào 23.390 đồng và bán ra 23.950 đồng mỗi USD.

Giá USD trên thị trường ngân hàng dâng lên sau động thái mới của Ngân hàng Nhà nước. Nhà điều hành phiên 7/9 nâng giá bán USD thêm 300 đồng lên 23.700 đồng và để trống giá mua (được niêm yết 22.550 đồng ở các phiên trước). Đây cũng là lần thứ hai cơ quan này tăng giá bán USD trong hai tháng qua.

Các nhà băng tăng mạnh giá USD khiến chênh lệch giá với thị trường tự do được thu hẹp. Các điểm giao dịch ngoại tệ trên thị trường chợ đen hiện vẫn duy trì giá mua bán quanh mức 24.120 - 24.220 đồng.

Hiện 60-70% hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu thanh toán bằng đồng USD. Việc tiền đồng từ đầu năm đến nay mất giá hơn 3,5% so với đôla Mỹ đang tạo áp lực chi phí với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hoá thanh toán bằng đồng bạc xanh này. Nhiều công ty cho biết các sản phẩm nhập về bị tăng giá khoảng 1,5-2% (chưa gồm việc tăng giá chi phí vận chuyển, các chi phí khác).

Ở chiều ngược lại, nhà xuất khẩu hàng hoá được hưởng lợi khi USD đi lên nhưng tác động không chỉ có một chiều. Vì giá USD tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ chịu áp lực tăng chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu (doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thường có tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu rất lớn).

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm