Quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không Quảng Ninh thành Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn vừa mới được Bộ Giao thông vận tải công bố đã nâng cấp Vân Đồn thành sân bay quốc tế giống như cảng hàng không quốc tế Phú Quốc.
Theo quy hoạch ban đầu được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch phát triển đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 từ ngày 16/3/2012, Cảng hàng không Quảng Ninh là sân bay nội địa đón được các chuyến bay quốc tế.
Trong điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23/2/2018, Vân Đồn được xác định là một trong 10 cảng hàng không quốc tế của mạng lưới cảng hàng không dân dụng và quân sự cả nước.
Quy mô vốn đầu tư cho dự án cũng được điều chỉnh, tăng từ 7.500 tỷ đồng lên hơn 12.215 tỷ đồng. Trong đó, phân kỳ đầu tư đến năm 2020 là hơn 6.303 tỷ đồng, từ năm 2020 – 2025 là hơn 1.501 tỷ đồng và giai đoạn còn lại đến năm 2030 là hơn 4.413 tỷ đồng.
Theo thiết kế ban đầu, giai đoạn I của cảng hàng không được khởi công từ tháng 9/2015 với đường băng dài 3km, đảm bảo khai thác loại máy bay như B777, B767 và B747. Hệ thống đường dẫn, sân đỗ đón khách tối thiểu được 4 máy bay, nhà điều hành, nhà ga hành khách và hàng hoá có công suất tiếp nhận được 2 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm.
Theo quy hoạch điều chỉnh, công trình nhà ga hành khách được điều chỉnh thành hai thành phần độc lập, trong đó nhà ga số 1 với công suất thiết kế 2,5 triệu hành khách/năm; điều chỉnh nhà ga hành khách nội địa có đón chuyến bay quốc tế thành nhà ga hành khách quốc tế; và sân đỗ máy bay đạt tối thiểu sáu vị trí đỗ và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu.
Dự kiến đến tháng 7/2018, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sẽ được vận hành bay thử và đến tháng 8/2018 sẽ đưa vào vận hành thương mại.
Trong giai đoạn từ năm 2020 – 2030 sẽ tiếp tục hoàn chỉnh xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối theo quy hoạch và khu vực kéo dài; hoàn chỉnh đơn nguyên còn lại của nhà ga hành khách với quy mô đáp ứng 2,5 triệu hành khách/năm và nâng tổng công suất cả hai nhà ga là 5 triệu hành khách/năm. Nhà ga mới này sẽ là nhà ga nội địa. Sân đỗ máy bay khi này phải đảm bảo đạt tối thiểu 12 vị trí đỗ.
Theo lý giải của Bộ Giao thông vận tải, việc chuyển Vân Đồn thành sân bay quốc tế là do trong quá trình Chính phủ thống nhất mô hình xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại Vân Đồn, việc đầu tư xây dựng cảng hàng không Quảng Ninh là cảng hàng không nội địa không còn phù hợp.
Vân Đồn dự kiến trở thành một trong ba đặc khu hành chính – kinh tế của cả nước cùng với Bắc Vân Phong của Khánh Hoà và huyện đảo Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang.
Luật đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được Quốc hội xem xét lần đầu trong kỳ họp cuối năm 2017 và được kỳ vọng sẽ thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới.
Theo Ban soạn thảo Luật đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt, Vân Đồn có vị trí gần với các thị trường có mức độ tăng trưởng lớn không chỉ riêng Hà Nội, Hải Phòng và Hạ Long mà còn cả khu vực ASEAN và một số nước châu Á. Trong bán kính bay 4 – 5 giờ sẽ cho phép Vân Đồn tiếp cận thị trường với 3,5 tỷ người, trong đó 17% là từ các nước ASEAN, tương đương với GDP là 22 tỷ USD.
Trong bán kính lái xe từ 4 – 5 giờ, Vân Đồn tiếp cận một thị trường 23 triệu người, trong đó 23% là từ Trung Quốc và 77% còn lại đến từ Việt Nam, tương ứng với GDP 62 tỷ USD.
Các dự án hạ tầng đường bộ kết nối với Vân Đồn cũng đang được triển khai như cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, Hạ Long – Vân Đồn và cầu Bạch Đằng khi hoàn thành sẽ kết nối với đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, rút ngắn khoảng một nửa thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Vân Đồn chỉ còn hơn 2 tiếng.
Quảng Ninh mới đây cũng khởi động chiến dịch giải phóng mặt bằng cho dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.
Hầu hết các dự án đăng ký đầu tư vào Vân Đồn hiện nay tập trung vào lĩnh vực du lịch và giải trí nhằm tận dụng lợi thế vị trí của Vân Đồn gần Vịnh Hạ Long và bản thân Vân Đồn hiện đang là huyện đảo với hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với vườn quốc gia Bái Tử Long. Vì thế, việc nâng cấp Vân Đồn thành sân bay quốc tế sẽ mở toang cánh cửa thu hút du khách quốc tế đến Vân Đồn.
Hiện tại, Sun Group đang đầu tư dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino trên diện tích 2.500 ha, với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD được triển khai từ quý III/2017 đến quý I/2022.
CEO Group cũng đang xúc tiến đầu tư 5.000 tỷ đồng để xây dựng tổ hợp khách sạn 5.000 phòng, công viên nước, trung tâm mua sắm, bến tàu, bãi biển công cộng.