Vàng thất thế, đồng USD chiếm thế thượng phong

Đồng USD phục hồi đã lấn át sự hỗ trợ đối với vàng trước những rủi ro kinh tế kéo dài, trong khi các nhà giao dịch xem xét các dữ liệu kinh tế mới và triển vọng lãi suất…
Vàng thất thế, đồng USD chiếm thế thượng phong

Trên thị trường thế giới, vàng giao ngay giảm 0,75% xuống 2.016 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,8% xuống 2.020 USD.

giá vàng
Diễn biến giá vàng thế giới thời gian qua

Trước đó trong phiên, giá vàng có thời điểm bật lên sau khi các dữ liệu kinh tế mới cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng vọt và chỉ số giá sản xuất (PPI) ghi nhận mức tăng nhỏ nhất trong hơn 2 năm vào tháng trước.

Tuy nhiên, kim loại quý này đã sớm từ bỏ mức tăng đó khi đồng USD phục hồi, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài.

Jim Wyckoff, nhà phân tích cao cấp tại Kitco Metals chỉ ra rằng tình hình ngân hàng khu vực, điển hình là với PacWest, đã thúc đẩy một số nhu cầu trú ẩn an toàn đối với đồng USD. 

Bên cạnh chỉ số PPI, dữ liệu hôm 10/5 cho thấy mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng năm tại Mỹ đã chậm lại xuống dưới 5% vào tháng 4, lần đầu tiên sau hai năm, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.

David Meger, giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures cho rằng với lạm phát vẫn còn cao trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ suy thoái chậm, ít có khả năng Fed cảm thấy cần tăng lãi suất thêm nữa và điều này sẽ giữ vàng đi ngang theo xu hướng cao hơn.

Trong ngày, các nhà đầu tư cũng nghiền ngẫm về bình luận từ Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis Neel Kashkari cho biết việc duy trì lãi suất cao thêm một thời gian nữa sẽ là cần thiết nếu lạm phát vẫn ở mức cao.

Ông Alexander Zumpfe, một đại lý kim loại quý tại Heraeus nhận xét: “Mặc dù điều này ảnh hưởng đến tâm lý đối với vàng nhưng ở một mức độ nhất định, kim loại quý vẫn nằm trong kênh xu hướng tăng được thiết lập vào tháng 11”.

Theo truyền thống, vàng được coi là một hàng rào chống lại lạm phát, nhưng lãi suất tăng cao làm giảm sức hấp dẫn đối với vàng thỏi có lợi tức bằng không.

Tại Việt Nam, giá vàng trong nước diễn biến ngược chiều với thị trường thế giới trong sáng 12/5. Vàng miếng SJC của công ty vàng bạc đá quý JSC được giao dịch ở mức 66,6 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra; tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều bán so với sáng ngày 10/5. 

Trong khi đó, vàng Kim Tài Lộc và Kim Phát Lộc của Việt Á Gold được thu mua ở mức 56,95 triệu đồng/lượng và bán ra mức 57,45 triệu đồng/lượng, không đổi ở cả hai chiều so với hôm qua.

giá vàng

Giá vàng nhẫn tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) được niêm yết ở mức 56,5 triệu đồng/lượng mua vào và 57,5 triệu đồng/lượng bán ra.

Sáng 2/5, Ngân hàng Vietcombank báo giá tỷ giá ngoại tệ tương đương 23.300 VND mua vào và 23.640 VND bán ra. 

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm khoảng 2% xuống mức thấp nhất trong một tuần do vấn đề trần nợ của Mỹ và dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc.

Dầu thô Brent kỳ hạn giảm 1,43 USD, tương đương 1,9%, xuống mức 74,98 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giảm 1,69 USD, tương đương 2,3%, xuống mức 70,87 USD. Đây là mức đóng cửa thấp nhất cho cả hai tiêu chuẩn kể từ ngày 4/5.

Những dữ liệu mới tại Mỹ đã củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang có thể tạm dừng tăng lãi suất nhưng không thúc đẩy kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất vào cuối năm. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến dầu đắt hơn ở các quốc gia khác.

Trong khi đó tại Trung Quốc, các khoản vay ngân hàng mới vào tháng 4 đã giảm mạnh hơn nhiều so với dự kiến, làm tăng thêm lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần mất đi đà phục hồi sau đại dịch.

Thị trường dầu phần lớn phớt lờ dự báo nhu cầu nhiên liệu toàn cầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho năm 2023. Trong đó, OPEC dự báo nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 800.000 thùng/ngày, cao hơn dự báo 760.000 thùng/ngày vào tháng trước. Tuy nhiên, OPEC cho rằng sự gia tăng nhu cầu của Trung Quốc khó có thể bù đắp cho các rủi ro kinh tế ở những nơi khác.

Có thể bạn quan tâm