Dồn dập phát hành trái phiếu
Trong khối ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước, từ ngày 12/11/2018 đến ngày 11/12/2018, BIDV mở bán tổng cộng 400.000 trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 10 năm, nhằm thu về 4.000 tỷ đồng. Mệnh giá trái phiếu là 10 triệu đồng/trái phiếu.
Trong đó, trái phiếu kỳ hạn 7 năm có khối lượng chào bán là 300.000 trái phiếu, trái phiếu 10 năm có khối lượng chào bán là 100.000 trái phiếu. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 7 và 10 năm luôn cao hơn lần lượt 0,8 -1,0% năm so với trung bình lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của Ngân hàng và kỳ hạn thực tế của trái phiếu sẽ rút ngắn tương ứng còn 2 năm, 5 năm khi BIDV mua lại trái phiếu trước hạn.
Từ ngày 31/10/2018 đến ngày 16/11/2018, Vietcombank đã có 7 lần phát hành trái phiếu với mệnh 100.000 đồng/trái phiếu, dành cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, có kỳ hạn 6 năm, với lãi suất 7,475%/năm với tổng cộng khối lượng trái phiếu phát hành thành công 288,3 tỷ đồng.
Trong đó, các nhà đầu tư doanh nghiệp mua 1,085 triệu trái phiếu (tương ứng 108,5 tỷ đồng) và nhà đầu tư cá nhân mua vào 1,789 triệu trái phiếu (tương ứng 179,8 tỷ đồng).
Trước đó, Vietinbank cho biết đã phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm trong đợt 2 năm 2018, lãi suất cố định 6%/năm.
Ở khối các ngân hàng thương mại cổ phần, MBBank đã hoàn tất phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm 1 ngày với trị giá hơn 1.400 tỷ đồng. Hội đồng quản trị ACB cũng vừa phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ trong năm tài chính 2018 với tổng mệnh giá phát hành 2.200 tỷ đồng.
Trái phiếu có kỳ hạn 3 năm và là loại không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không phải nợ thứ cấp và được đảm bảo bằng trái phiếu chính phủ thuộc sở hữu của ACB. Trái phiếu phát hành được áp dụng lãi suất cố định ở mức 6%/năm và được chi trả định kỳ 12 tháng một lần. Trái chủ được quyền bán lại trái phiếu sau 18 tháng kể từ ngày phát hành.
Mới đây, HDBank cũng cho biết sẽ thực hiện phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu đợt 3 trong năm 2018 để huy động vốn.
Thông tư 19: Đã giảm lực cú “phanh” gấp
Còn nhớ, từ đầu năm 2017, các ngân hàng đã phải triển khai các giải pháp huy động vốn trung và dài hạn để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 06/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 60% về 50% vào năm 2017 và 40% vào năm 2018.
Giải pháp chung là tăng vốn điều lệ, hạn chế chia cổ tức tiền mặt và thực tế Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những chỉ đạo rất quyết liệt về việc không chia cổ tức bằng tiền mặt hỗ trợ vốn tự có cấp 1. Đồng thời với đó là phát hành trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi dài hạn để tăng vốn, nhưng chủ yếu sẽ vẫn tập trung vào phát hành trái phiếu chuyển đổi, bởi chứng chỉ tiền gửi không được tính vào vốn cấp 2.
Tuy nhiên, với Thông tư 19/2017/TT-NHNN ban hành ngày 28/12/2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được điều chỉnh ở mức 45% vào năm 2018 và giảm về mục tiêu 40% vào năm 2019, thay vì ngay trong năm 2018.
Việc thay đổi này được thị trường đánh giá giúp giảm áp lực lên lãi suất huy động của các ngân hàng và các ngân hàng có thêm thời gian cơ cấu danh mục cho vay sang các khoản vay ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Các doanh nghiệp cũng có thời gian cân đối dòng vốn của mình. Rõ ràng, các ngân hàng đã có khoảng thời gian dài để chuẩn bị cho quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm xuống mức 45% từ 1/1/2018.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận: “Với Thông tư 06/2016/TT-NHNN, việc giảm tỷ lệ về 40% vào năm 2018 là khó khăn vì ngân hàng không kịp cơ cấu lại danh mục cho vay cũng như dòng tiền. Nhưng với Thông tư 19/2017/TT-NHNN, NHNN đã hỗ trợ các ngân hàng không xáo trộn mạnh bởi một cú “phanh” gấp”.
Một câu chuyện nữa đó là từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng do NHNN chỉ định đã chính thức bước vào thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel 2, bộ tiêu chuẩn không mới đối với các ngân hàng trong khu vực.
Bên cạnh 10 ngân hàng được chỉ định, không ít ngân hàng còn “xung phong” thực hiện thí điểm Basel 2. Thậm chí, cuối năm 2017, OCB là một trong số ít ngân hàng đã sớm công bố hoàn thành dự án Basel 2 nhằm nâng tầm quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh.
Đặc biệt, VPBank vừa qua đã chính thức xin phép NHNN được áp dụng toàn phần tiêu chuẩn Basel 2 trong quản trị rủi ro từ đầu năm 2019, sớm 1 năm so với yêu cầu đặt ra của NHNN. Nếu được chấp thuận, VPBank sẽ là một trong những ngân hàng Việt Nam đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn Basel 2.
Huy động vốn để làm gì?
Một chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, không phủ nhận việc các ngân hàng phát hành trái phiếu ồ ạt thời gian qua nhằm giải quyết cơn “khát” vốn hay cải thiện hệ số CAR. Bên cạnh đó, huy động vốn còn để mở rộng thị trường và còn để đảm bảo cân bằng nguồn vốn, khi nợ xấu của nhiều ngân hàng đang có dấu hiệu nhích lên.
“Nợ cho vay ra đến thời hạn nào đó khách hàng phải trả nợ, tiền trả nợ đó quay về ngân hàng. Đây là tiền ngân hàng huy động từ khách hàng trước đây và bây giờ ngân hàng lấy tiền đó trả lại khách hàng.
Nợ xấu là đồng tiền cho vay ra không quay trở lại ngân hàng nữa, nhưng nợ đó vẫn còn trên sổ sách và vẫn còn là tài sản của ngân hàng. Ngân hàng phải huy động vốn mới để trả cho khách hàng khi khoản tiền gửi đáo hạn”, vị chuyên gia kinh tế nói.
Cũng theo vị chuyên gia trên, đây là câu chuyện rất quan trọng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tại và là một trong những lý do chính khiến các ngân hàng luôn phải huy động vốn với lãi suất cao.
Báo cáo tài chính quý III/2018 của các ngân hàng cho thấy, 16 ngân hàng có nợ xấu gia tăng. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,4 - 1,3%, tùy ngân hàng. Nếu tính cả lượng nợ xấu vẫn nằm tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ xấu nội bảng của các ngân hàng thương mại vào khoảng 145.000 tỷ đồng.
Theo Nhuệ Mẫn/Tinnhanhchungkhoan.vn