Việt Nam đón thêm 300 triệu USD vốn tín dụng xanh

Thời gian gần đây, tín dụng xanh là hướng đi tất yếu của ngành tài chính toàn cầu. Việt Nam cũng không năm ngoài hướng đi chung này…
Tín dụng xanh

Vừa qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã tổ chức lễ ký kết hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD để hỗ trợ dự án năng lượng tái tạo.

Đây không phải lần đầu tiên hai tổ chức này “bắt tay” để góp phần phát triển kinh tế bền vững, thúc đẩy hội nhập khu vực và bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Hồi tháng 6/2019, gói tín dụng 200 triệu USD cũng đã Vietcombank và JBIC ký kết.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombannk cho biết, lễ ký kết Hợp đồng tài trợ vốn 300 triệu USD giữa Vietcombank và JBIC để hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo là dấu mốc quan trọng khẳng định sự đánh giá tích cực từ các định chế tài chính quốc tế đối với sự ổn định và phát triển kinh tế Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là sự tin tưởng đối với hoạt động tài chính ngân hàng Việt Nam nói chung và Vietcombank nói riêng.

“Khoản vay sẽ hỗ trợ cho các dự án năng lượng xanh và bảo vệ môi trường tại Việt Nam, một trong những lĩnh vực mà Chính phủ rất quan tâm hiện nay. Với ý nghĩa đó, khoản vay là biểu tượng của sự hợp tác lâu dài giữa Vietcombank và JBIC vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam, nâng cao hình ảnh của Việt Nam như một điểm đến đầu tư uy tín, an toàn và thân thiện, qua đó góp phần tiếp tục đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản lên tầm cao mới”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Uchida Makoto, Giám đốc quản lý, Giám đốc toàn cầu khối Tài chính, cơ sở hạ tầng và môi trường, Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết, khoản vay phù hợp với khái niệm “Cộng đồng châu Á phát thải bằng 0” (AZEC - Asia Zero Emissions Community) do Chính phủ Nhật Bản đứng đầu, nhằm theo đuổi mục tiêu trung hòa carbon và tăng trưởng kinh tế tùy theo hoàn cảnh của mỗi quốc gia. Khoản vay này cũng phù hợp với “Đối tác chuyển đổi năng lượng chính đáng” (JETP - Just Energy Transition Partnership), đã được Chính phủ Việt Nam và các nước đối tác, bao gồm Nhật Bản và Hoa Kỳ, thống nhất vào tháng 12/2022.

“JBIC đánh giá đây là hoạt động hợp tác phù hợp với định hướng của hai chính phủ Nhật Bản và Việt Nam, của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như định hướng phát triển của Vietcombank”, ông Uchida Makoto nói.

Được biết, trong giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tại Việt Nam có tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm. Tính đến 30/6/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 7,08% so với năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng đang có sự chuyển biến rõ rệt trong định hướng hoạt động tín dụng xanh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế để phát triển và triển khai cho vay chương trình tín dụng xanh.

Tuy nhiên, theo bà Hà Thu Giang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, việc cấp tín dụng xanh đang gặp phải nhiều vướng mắc. Trong đó, việc chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh cho giai đoạn tới là khó khăn nổi bật nhất.

Vì vậy, bà Giang kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có hướng dẫn về danh mục xanh và tiêu chí xác định dự án xanh phù hợp với phân ngành kinh tế của Việt Nam làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có căn cứ thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.

Bên cạnh đó, cần xây dựng lộ trình thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ các ngành xanh (thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển…) của từng ngành/lĩnh vực một cách đồng bộ nhằm thu hút và phát huy hiệu quả của nguồn vốn tín dụng xanh.

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...