Việt Nam - Trung Quốc ký Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44

Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44 đã thống nhất về các nội dung trong Nghị định thư liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước, tạo thuận lợi cho hàng hóa, hành khách liên vận quốc tế và khách du lịch giữa hai nước...

Lễ ký Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44
Lễ ký Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44

Mới đây, ngày 12/12, tại Hà Nội, ông Trần Thiện Cảnh, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và ông Dương Bân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục Nam Ninh Đường sắt Trung Quốc đã ký Nghị định thư Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung lần thứ 44.

Tại Hội nghị, ông Trần Thiện Cảnh cho biết, Hội nghị đường sắt biên giới Việt - Trung được tổ chức luân phiên giữa đường sắt hai nước nhằm đàm phán, tháo gỡ và đi đến thống nhất những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung vào Nghị định thư đường sắt Việt - Trung hàng năm. Trên tinh thần hợp tác hữu nghị, những vấn đề liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc đã được các thành viên trong hai đoàn thống nhất.

Việc thống nhất nhiều nội dung trong Nghị định thư liên quan đến công tác liên vận đường sắt giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc sẽ kịp thời giải quyết những phát sinh vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi để thúc đẩy hàng hóa, hành khách liên vận quốc tế và khách du lịch giữa hai nước.

Hội nghị cũng thống nhất về công tác tổ chức vận tải, vận tải hành khách, hàng hóa, thiết bị thông tin, các vấn đề kỹ thuật khác… mang lại lợi ích về đường sắt của hai bên, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

"Cục Đường sắt Việt Nam đang được Bộ Giao thông vận tải giao nhiệm vụ phối hợp với Cục Đường sắt quốc gia Trung Quốc, Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc nghiên cứu sửa đổi Hiệp định đường sắt biên giới ký năm 1992 với mục đích tách bạch giữa quản lý nhà nước với hoạt động của doanh nghiệp. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, trong thời gian tới, hy vọng sẽ nhận được sự hợp tác và hỗ trợ hiệu quả của Tập đoàn Đường sắt quốc gia Trung Quốc trong quá trình trao đổi, đàm phán sửa đổi Hiệp định", ông Cảnh nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Dương Bân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục Nam Ninh Đường sắt Trung Quốc bày tỏ sự tin tưởng: "Tôi tin rằng, dưới sự định hướng của lãnh đạo cao nhất hai nước, chúng ta chỉ cần nắm chặt cơ hội, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau, ngành đường sắt hai bên chắc chắn sẽ góp phần lớn hơn vào việc phục vụ phát triển kinh tế xã hội".

Được biết, từ năm 2020 đến nay, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt giữa Việt Nam - Trung Quốc liên tục tăng trưởng, trong đó năm 2022 ghi nhận sản lượng đạt xấp xỉ 1,2 triệu tấn. Năm 2023, khối lượng giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Sang năm 2024, khối lượng hàng hóa liên vận quốc tế đã từng bước phục hồi và tăng trưởng.

Sau gần 4 năm gián đoạn tổ chức Hội nghị Đường sắt Biên giới Việt - Trung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành đường sắt hai nước đã nỗ lực thực hiện đúng các điều khoản của Nghị định thư Hội nghị lần thứ 43, đồng thời phối hợp chặt chẽ tạo điều kiện tối đa cho nhau trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong vận tải hàng hóa.

Phía đường sắt Trung Quốc cũng đang thúc đẩy các tuyến đường sắt kết nối cửa khẩu hai nước như cải tạo, nâng cấp tuyến Nam Ninh - Bằng Tường kết nối cửa khẩu đường sắt với ga liên vận quốc tế Đồng Đăng của Việt Nam…

Kể từ năm 2024, chuyến tàu container thông quan nhanh quá cảnh được tổ chức chạy thường xuyên, rút ngắn thời gian chạy tàu, không ngừng nâng cao hiệu quả. Quy mô và chất lượng chuyến tàu container tiếp tục được nâng cao, trở thành con đường nhanh chóng thúc đẩy thương mại.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…