Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc vừa ký và ban hành quyết định số 1866/QĐ-KTNN về "Kế hoạch kiểm toán năm 2020" của Kiểm toán nhà nước (KTNN).
Trong đó, đối với lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước sẽ thực hiện 15 cuộc kiểm toán gồm Ngân hàng Nhà nước, 3 ngân hàng thương mại, 12 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.
Các ngân hàng thương mại bao gồm: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (VBSP).
Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN cũng thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng; xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu, đặc biệt là việc triển khai các biện pháp xử lý nợ xấu và kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng theo Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” được phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ- TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án “Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020″ và việc thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 của Quốc hội.
Về “sức khỏe” của các ngân hàng, theo kết quả kinh doanh sơ bộ trong 9 tháng năm 2019 Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 9.700 tỷ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch năm (11.000 tỷ đồng).
Tính đến 30/9/2019, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 1.398.110 tỷ đồng; nguồn vốn huy động đạt 1.285.356 tỷ đồng; quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm tỷ trọng trên 70%/tổng dư nợ và nguồn vốn chiếm trên 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ thực hiện đánh giá hoạt động tái cơ cấu thị trường tài chính, xác định thực trạng sở hữu chéo, nợ xấu...
Cũng trong 9 tháng năm 2019, Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế của ngân hàng mẹ đạt 17.250 tỷ đồng, tăng 51,9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 85,4% kế hoạch năm 2019. Lợi nhuận hợp nhất đạt 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ, đạt 85,8% kế hoạch năm 2019.
Tuy nhiên, nợ xấu của Vietcombank tại ngày 30/9 là 7.625 tỷ đồng, tăng 491 tỷ so với cuối tháng 6 và đã tăng 1.402 tỷ (tương đương tăng 22,5%) so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 – nợ dưới tiêu chuẩn của Vietcombank tăng hơn 4 lần so với thời điểm đầu năm lên 1.240 tỷ. Nợ nhóm 4 – nợ nghi ngờ tăng 31,4% lên 1.525 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn chỉ tăng nhẹ 1,9% lên 4.860 tỷ.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng từ mức dưới 1% hồi đầu năm lên 1,07% cuối tháng 9/2019.
Tính đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội của VBSP đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018.
Trong đó, nguồn vốn điều lệ đạt 17.288 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 14.618 tỷ đồng, tăng 2.809 tỷ đồng so với năm 2018; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường đạt 27.200 tỷ đồng, tăng 2.144 tỷ đồng.
Tổng dư nợ đến 30/9/2019 đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng, tương đương 6,9% so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.