Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã: CTG) vừa thông tin về việc thực hiện tái cơ cấu dự án tòa nhà VietinBank Tower đã được thông qua ba phương án và ủy quyền cho HĐQT quyết định phương án cụ thể tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2018.
Theo đó, phương án 1, ngân hàng sẽ ưu tiên chuyển nhượng toàn bộ tài sản của dự án. Sau đó VietinBank sẽ thuê tại tháp 68 tầng để làm Trụ sở làm việc. Hết thời hạn thuê, VietinBank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.
Phương án 2 là chuyển nhượng một phần tài sản của dự án gồm Tòa tháp 48 tầng, Khối đế và các tài sản khác (nếu có thỏa thuận). Riêng tòa tháp 68 tầng, Vietinbank vẫn sở hữu để làm Trụ sở làm việc. Đối với phương án này, ngân hàng sẽ xin chủ trường của Ngân hàng Nhà nước để điều chỉnh tổng mức đầu tư của tháp 68 tầng để triển khai thực hiện hoàn thành tòa nhà làm trụ sở chính.
Phương án 3, trong thời gian chưa chuyển nhượng được toàn bộ Dự án hoặc một phần Dự án (Tháp 48 tầng, Khối đế và các tài sản khác) cho nhà đầu tư bên ngoài. VietinBank sẽ tiếp tục triển khai Dự án và triển khai các công việc liên quan, đồng thời khẩn trương thực hiện các phương án tái cơ cấu như nêu trên để có hiệu quả tối ưu trong quá trình phát triển.
"Theo thông báo vừa qua của ngân hàng cho biết, ngân hàng ưu tiên và đang thực hiện theo phương án thứ nhất là chuyển nhượng toàn bộ tài sản của dự án. Theo đó, VietinBank sẽ thuê mua lại tháp 68 tầng để làm Trụ sở làm việc. Hết thời hạn thuê, VietinBank sẽ mua lại tài sản với giá tượng trưng hoặc phương thức xác định giá được thỏa thuận cụ thể.
Ngân hàng cũng cho biết, việc tái cơ cấu Dự án sẽ được thực hiện khẩn trương, theo các quy định của pháp luật và phê duyệt theo quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc thuê tài sản, thuê mua tài sản được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Vietinbank Tower là công trình tòa nhà trụ sở chính của ngân hàng, được xây dựng trên diện tích khu đất gần 30.000 m2 gồm 2 tòa tháp 48 tầng và 68 tầng, nằm tại Khu đô thị Ciputra, Quận Tây Hồ, Hà Nội có tổng mức đầu tư đạt 10.267 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến nay sau gần 9 năm, nhiều hạng mục công trình vẫn chưa được hoàn thiện. Nguyên nhân được lãnh đạo ngân hàng này đưa ra là do lộ trình tăng vốn chưa được phê duyệt dẫn tới khó khăn về vốn để tiếp tục thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Vietinbank cũng đánh giá có khả năng không khai thác hết công năng của dự án.
>> Ra giá “cao ngất”, Vietinbank sẽ bán được bao nhiêu cổ phần Saigonbank?