Cụ thể, từ nay đến 2/1/2019, Vietnam Airlines tăng cường thêm gần 27.000 chỗ (tương đương gần 140 chuyến bay) so với thường lệ trên các đường bay nội địa, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao trong dịp Tết Dương lịch 2019.
Đồng thời, Jetstar Pacific cũng khai thác hơn 600 chuyến bay, tương đương gần gần 93.000 chỗ nhằm phục vụ hành khách trong giai đoạn này.
Theo đó, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific tập trung tăng chỗ trên các đường bay nội địa có nhu cầu lớn bao gồm Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh/Đà Nẵng/Phú Quốc và TP. Hồ Chí Minh - Đà Nẵng/Phú Quốc.
Động thái tăng chỗ phục vụ khách hàng của Vietnam Airlines và Jetstar Pacific được đẩy mạnh trong hoàn cảnh Vietjet Air vừa bị cảnh cáo và tạm thời không được cấp phép tăng chuyến.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ra chỉ thị hoả tốc về việc đảm bảo an ninh, an toàn khai thác hàng không đối với các chuyến bay của Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet Air).
Bộ trưởng yêu cầu Cục Hàng không áp dụng quy chế giám sát đặc biệt đối với Vietjet Air, đặc biệt là ở các cảng hàng không, sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh.
Ngoài ra, Cục Hàng không tạm thời chưa cấp phép khai thác tăng chuyến đối với Vietjet Air cho đến khi có kết quả điều tra nguyên nhân xảy ra sự cố chuyến bay VJ689 ngày 25/12/2018; trường hợp đặc biệt có văn bản báo cáo Bộ xem xét, giải quyết", chỉ thị nêu rõ.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vietjet nghiêm túc thực hiện các quy định, quy trình về an toàn khai thác tàu bay; lập kế hoạch bảo dưỡng và nguồn nhân lực bảo dưỡng phù hợp với yêu cầu khai thác; rút kinh nghiệm sâu sắc nguyên nhân gây ra các sự cố, khẩn trương đề ra các biện pháp khắc phục một cách tổng thể, toàn diện và cơ bản nhằm đảm bảo mục tiêu an toàn chuyến bay là trên hết, không vì mục đích lợi nhuận làm ảnh hưởng đến an toàn, an ninh và chất lượng phục vụ chuyến bay.
Xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan dẫn đến sự cố nghiêm trọng; điều chỉnh người chịu trách nhiệm khai thác tàu bay của hãng; rà soát toàn bộ các quy trình về khai thác, bảo dưỡng tàu bay, công tác tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện người lái tàu bay, kịp thời phát hiện những bất cập để thực hiện khắc phục, chấn chỉnh, hoàn thiện nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động khai thác tàu bay. Chỉ thị nêu rõ.
Vietjet đang thực sự rơi vào khủng hoảng khi thời gian vừa qua, Vietjet Air đã có 7 sự cố khai thác tàu bay, trong đó có 5 sự cố do hỏng hóc kỹ thuật tàu bay và 2 sự cố do yếu tố chủ quan của nhân viên hàng không.
Năm 2012, thị phần Vietjet chỉ 8% còn của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines lên tới 70%. Đến nay, thị phần của Vietjet Air được đánh giá đang ở mức trên 42% và dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng.
Tuy nhiên, với hàng loạt sự cố vừa qua rất nhiều chuyên gia nhận định Vietjet Air có thể sẽ phải trả giá bằng cả thị phần và doanh thu nhất là trong khi 2 dịp Tết Dương lịch và Âm lịch đang tới gần.