Tin từ Hãng hàng không Vietjet, hãng hàng không này vừa mở đường bay TP.HCM - Jakarta (Indonesia). Do đó, Vietjet tung nhiều giá vé khuyến mại 0 đồng cho đường bay mới này.
Cụ thể, đường bay TP.HCM - Jakarta (Indonesia) được khai thác từ ngày 5/8 với tần suất hàng ngày. Chiều đi khởi hành từ TP.HCM lúc 9h35 và đến Jakarta lúc 12h30 (giờ địa phương). Chiều về khởi hành từ Jakarta lúc 13h30 (giờ địa phương), đáp TP.HCM lúc 16h40.
Hãng hàng không này còn có chương trình ưu đãi vé bay 0 đồng áp dụng cho các đường bay đến Indonesia và toàn mạng bay quốc tế đến Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), khu vực Đông Nam Á.
Vé khuyến mãi 0 đồng mở bán không giới hạn khung giờ vào 3 ngày thứ tư, năm, sáu hàng tuần tại website và ứng dụng của hãng hàng không.
Tung ưu đãi vé 0 đồng trước nay là "vương bài" của Vietjet Air nhằm thu hút du khách là tầng lớp bình dân trở xuống sử dụng dịch vụ hàng không. Cách thức này hiện nay có thể xem là rất thành công, khi Vietjet Air đã định hình được trong tư duy khách hàng là hãng hàng không giá rẻ, có nhiều ưu đãi vé 0 đồng.
Tuy nhiên, mới đây, trên nghị trường Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, thực chất, không có vé máy bay giá “0 đồng” vì Thông tư 17/2019/TT-BGTVT quy định rõ nguyên tắc định giá vé cho 1 vé máy bay phải bao gồm các khoản thuế, phí theo quy định. “Mức giá 0 đồng” là chưa gồm thuế, phí và thực tế người tiêu dùng vẫn phải chi trả một khoản tiền nhất định.
Thời gian qua, một số hãng áp dụng giá “vé 0 đồng” như một hình thức ưu đãi, chỉ áp dụng cho một số ít ghế trong 1 chuyến bay và thực tế mức giá phải trả không phải là 0 đồng.
Thông tư 17/2019/TT-BGTVT cũng quy định việc tính giá. Theo đó giá phải đảm bảo phù hợp với chi phí sản xuất kinh doanh thực tế của từng chuyến bay.
Do đó, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu, Đoàn Thừa Thiên Huế cho rằng cần xem xét điều chỉnh thuật ngữ “mức giá 0 đồng” bằng những thuật ngữ phù hợp là giá ưu đãi hoặc giá khuyến mại nhằm tránh ngộ nhận, lợi dụng và cũng thể hiện tính minh bạch trong Luật Cạnh tranh.
Đối với giá sàn và giá trần của hàng không nội địa, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc giữ giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, tạo điều kiện cho mọi người có thể tiếp cận dịch vụ hàng không nội địa, từ đó giúp giảm chi phí xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Về giá sàn, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhiều nước trên thế giới đã bỏ giá sàn. Các hãng hàng không có dải giá rất rộng cho nhiều loại chuyến bay, nhiều hạng vé cho từng nhóm đối tượng…Do đó cơ quan soạn thảo thống nhất bỏ giá sàn với dịch vụ này