Vietnam – Asia DX Summit 2025: Cơ hội để doanh nghiệp công nghệ "đột phá vươn mình"

“Một chiến lược quốc gia rõ ràng, các chính sách đột phá, năng lực ngày càng trưởng thành của doanh nghiệp và một thị trường nội địa rộng lớn, cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam "đột phá vươn mình" là vô cùng sáng rõ”...

Toàn cảnh Diễn đàn

Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2025 (Vietnam – Asia DX Summit 2025). Sự kiện diễn ra trong 02 ngày 27-28/5/2025 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

3 ĐỀ XUẤT BIẾN CƠ HỘI THÀNH HIỆN THỰC

Diễn đàn Vietnam - ASIA DX Summit 2025 là sự kiện quan trọng giúp kết nối doanh nghiệp, Chính phủ và các tổ chức công nghệ trong nước, quốc tế để cùng hợp tác, cùng “Thắng”.

Sự kiện mang chủ đề “Làm chủ công nghệ – Đột phá, Vươn mình” với 9 phiên hội thảo, hơn 100 diễn giả, và hơn 2.500 lượt đại biểu trong và ngoài nước tham dự, bàn thảo chuyên sâu về chính sách, nghiên cứu, hợp tác phát triển các công nghệ chiến lược: AI, IoT, dữ liệu lớn, an ninh mạng, hạ tầng và năng lượng, sản xuất xanh – thông minh, hợp tác và kinh nghiệm quốc tế. Hội thảo chuyên đề trình diễn giải pháp số tiên tiến. Triển lãm công nghệ số và chương trình Kết nối đầu tư & hợp tác (business matching) mang lại những cơ hội gặp gỡ, trao đổi hiệu quả giữa doanh nghiệp và nhà nước, giữa các doanh nghiệp trong nước và đối tác quốc tế hàng năm.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA phát biểu tại Diễn đàn

Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) cho biết, hành trình để Việt Nam trở thành một quốc gia số phát triển, một trung tâm công nghệ trong khu vực vẫn còn nhiều thách thức, từ việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thiện thể chế cho đến nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.

“Tuy nhiên, với sự hội tụ của các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa: một chiến lược quốc gia rõ ràng, các chính sách đột phá, năng lực ngày càng trưởng thành của doanh nghiệp và một thị trường nội địa rộng lớn, cơ hội để các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam "đột phá vươn mình" là vô cùng sáng rõ” – Chủ tịch VINASA nhận định.

Để biến cơ hội thành hiện thực, ông Khoa đưa ra 3 đề xuất, cụ thể: Về phía Chính phủ: Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý; Tăng cường đầu tư cho hạ tầng số và đào tạo nhân lực. Về phía doanh nghiệp: Cần mạnh dạn đầu tư hơn nữa cho R&D, tập trung vào các công nghệ lõi và chất lượng sản phẩm; Tăng cường hợp tác, liên kết để tạo ra sức mạnh tổng hợp và cùng nhau chinh phục các thị trường lớn hơn. Về phía xã hội: Xây dựng văn hóa số, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo và chấp nhận các mô hình kinh doanh mới.

CÔNG NGHỆ XANH LÀ XU HƯỚNG HỢP TÁC QUAN TRỌNG

Việt Nam sở hữu hơn 1.000 doanh nghiệp công nghệ số đang xuất khẩu dịch vụ phục vụ các thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu, Hàn Quốc, Australia, tạo ra doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.

Theo ông Junya Kawamoto - Chủ tịch Uỷ ban Hợp tác quốc tế của Hiệp hội CNTT Nhật Bản (JISA), Nhật Bản có nhu cầu lớn từ Việt Nam trong phát triển ứng dụng AI trong y tế, giáo dục và sản xuất.

Ông Stan Singh, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO)

Còn ông Stan Singh, Chủ tịch Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) cho rằng, các nền kinh tế APAC xem công nghệ xanh là xu hướng hợp tác quan trọng.

Trong khi đó, bà Ivy Chang, Phó Tổng Thư ký CISA, Đài Loan – Trung Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ để Việt Nam triển khai 5G hiệu quả hơn, hợp tác trong R&D và chuyển giao công nghệ bán dẫn, đồng thời cần hợp tác với Việt Nam để phát triển ứng dụng AI trong y tế, giáo dục, và sản xuất xanh thông minh.

Để thúc đẩy tăng trưởng chung, các lãnh đạo thống nhất các nền kinh tế và doanh nghiệp công nghệ châu Á có thể tập trung vào các nội dung hợp tác sau: Nghiên cứu các công nghệ mới như điện toán lượng tử, 6G, và ứng dụng AI tiên tiến trong y tế, sản xuất, tài chính; Thiết lập chương trình trao đổi nhân tài xuyên biên giới; Hợp tác tổ chức sự kiện B2B, triển lãm công nghệ và hội nghị kỹ thuật số thường xuyên để thúc đẩy quan hệ đối tác; Chia sẻ hạ tầng và tài nguyên: Phát triển trung tâm dữ liệu, dịch vụ đám mây và nền tảng AI chung để hỗ trợ các dự án hợp tác; Hợp tác để hài hòa hóa quy định và tiêu chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xuyên biên giới.

Theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, Việt Nam đặt mục tiêu vào top 3 ASEAN và top 50 toàn cầu về năng lực cạnh tranh số và phát triển chính phủ điện tử, năm 2030 có 05 doanh nghiệp vươn tầm thế giới, năm 2045 là 10 doanh nghiệp. Với sự ủng hộ toàn diện của chính sách đột phá, và thúc đẩy hợp tác quốc tế mạnh mẽ, những mục tiêu này sẽ nhanh chóng được các doanh nghiệp hoàn thành.

Có thể bạn quan tâm