Triển khai Nghị quyết 57: Cần cộng hưởng sức mạnh doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu khoa học công nghệ

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn khẳng định cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên để đuổi kịp, thậm chí vượt các nước phát triển, ông Sơn cho rằng Việt Nam có thể tìm một lối đi riêng, phù hợp với đặc thù thể chế chính trị...

r1.jpg
Các vị đại biểu, chuyên gia, khách mời tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm

Chiều 19/5 tại Hà Nội, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo chủ đề “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo – Bài học từ kinh nghiệm quốc tế”. Trong khuôn khổ hội thảo, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo cơ quan Nhà nước, các vị chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, cùng lãnh đạo hiệp hội doanh nghiệp đã bàn thảo những bước đi đột phá nhằm nhanh chóng đưa Nghị định 57 của Bộ Chính trị vào đời sống, hỗ trợ tích cực cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đề, nhìn lại chặng đường 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán khẳng định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là nền tảng vững chắc cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, tiềm năng của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa được khai thác và phát huy một cách đầy đủ để đóng góp xứng tầm vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động.

Trong bối cảnh toàn cầu biến động nhanh chóng, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo không còn là lựa chọn mà là con đường bắt buộc nếu Việt Nam muốn bứt phá. Những chủ trương lớn như Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, hay Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho lĩnh vực này, thể hiện rõ quyết tâm chính trị, đồng thời mở ra cơ hội “vàng” để Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ trong giai đoạn phát triển mới.

r2.jpg
PGS.TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo

PGS.TS Vũ Văn Tích ví Nghị quyết 57 như một “Khoán 10” mới – có thể tạo ra bước ngoặt tương tự như cách Khoán 10 đã làm với nông nghiệp Việt Nam. Nếu “Khoán 10” giải phóng sức sản xuất của nông dân, thì Nghị quyết 57 có thể mở đường cho nền sản xuất dựa trên tri thức, sáng tạo và công nghệ cao.

Bên cạnh đó, một số nghị quyết quan trọng khác như Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, Nghị quyết 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đã minh chứng cho quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong việc chuyển đầu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo thành những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cụ thể và thiết thực.

Với ý nghĩa chiến lược đó, ông kỳ vọng hội thảo được tổ chức nhằm mục đích lắng nghe những ý kiến chia sẻ tâm huyết của quý vị chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học và các doanh nghiệp đã và đang giữ những vị trí trọng trách trong nhiều lĩnh vực sẽ góp phần cung cấp các giải pháp thiết thực, tham mưu trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, tạo đà mạnh mẽ để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới.

KHÔNG QUYẾT LIỆT SẼ BỎ LỠ CƠ HỘI BỨT PHÁ

Mở đầu phần thảo luận, TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam nhấn mạnh 3 vấn đề: Thứ nhất, triển khai mô hình đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp; thứ hai vấn đề huy động tối đa nguồn lực để phát triển khoa học công nghệ, cuối cùng là xử lý tài sản trí tuệ nhân tạo, cơ chế sở hữu kết quả nghiên cứu đảm bảo quyền lợi cho người nghiên cứu khoa học.

r3.jpg
TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Tự động hóa Việt Nam

TS. Nguyễn Quân nhấn mạnh sự cần thiết thay đổi tư duy quản lý khoa học công nghệ, hướng tới hội nhập quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần tuân thủ kinh tế thị trường, áp dụng cơ chế quỹ để cấp vốn nhanh chóng thay vì quy trình ngân sách phức tạp.

Vấn đề huy động đầu tư xã hội cũng được nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đề cập, khi tỷ lệ đầu tư từ ngân sách còn thấp. Doanh nghiệp cần đóng vai trò trung tâm, nhưng các rào cản pháp lý và tư duy quản lý chưa được giải quyết. Cùng với đó, ông cũng chỉ ra cách ứng xử với giới khoa học cần thay đổi, trao quyền tự chủ và tin tưởng vào họ, quản lý theo chất lượng đầu ra thay vì chỉ chú trọng thủ tục đầu vào. Tình trạng "bỏ ngăn kéo" kết quả nghiên cứu do thiếu tin tưởng và quyền sở hữu là một vấn đề.

Ông Quân cho rằng Việt Nam đã học hỏi nhiều kinh nghiệm từ các bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, để hội nhập quốc tế toàn diện trong khoa học công nghệ, cần tuân thủ quy luật kinh tế thị trường và tiệm cận thông lệ quốc tế trong quản lý. Do trình độ phát triển còn hạn chế, việc tiếp cận cần từng bước. Mục tiêu là xây dựng hệ thống quản lý khoa học công nghệ tiên tiến.

Thực tế nhiều nhà khoa học Việt Nam gặp khó khăn khi triển khai ý tưởng nghiên cứu do quy trình cấp vốn chậm trễ. Mô hình quản lý hiện tại vẫn theo lối cũ, nặng về kế hoạch hóa, thiếu linh hoạt. Việc cấp tiền thường phải chờ phê duyệt dự toán ngân sách năm sau, một quy trình kéo dài cả năm. Ngược lại, các nước phát triển áp dụng cơ chế quỹ, cho phép cấp vốn nhanh chóng khi nhiệm vụ nghiên cứu được phê duyệt, dù là từ nhà nước, doanh nghiệp đặt hàng hay tự đề xuất. Ở Việt Nam, quy trình hiện tại giống như đầu tư xây dựng cơ bản, phải lên kế hoạch trước cả năm và thủ tục thanh toán, quyết toán phức tạp, gây khó khăn cho nhà khoa học.

Ông cũng chỉ ra ba đặc tính của cơ chế quỹ hiệu quả: Tiền luôn sẵn sàng khi đề tài được duyệt cấp; không bắt buộc quyết toán theo năm tài chính mà theo hợp đồng; và tự động chuyển kinh phí không sử dụng hết sang năm sau. Điều này giúp giảm thủ tục hành chính cho nhà khoa học. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa có cơ chế tự động chuyển kinh phí, gây khó khăn trong quá trình nghiên cứu, do vậy cần thay đổi đáng kể vấn đề này.

Bên cạnh đó, ông nhận định rằng quy định hiện hành gây khó khăn cho nhà khoa học trong việc tiếp cận hỗ trợ nhà nước, dẫn đến khó tạo ra sản phẩm khoa học cạnh tranh. Hệ thống quản lý quá chú trọng đến quy trình, thủ tục đầu vào theo quy định nhà nước mà ít quan tâm đến chất lượng và khả năng ứng dụng của sản phẩm đầu ra. Điều này dẫn đến tình trạng nghiệm thu đánh giá xuất sắc nhưng sản phẩm lại không thực tế hoặc không được sử dụng.

Từ đó, cần thay đổi cách quản lý, trao quyền tự chủ về tài chính và thủ tục cho nhà khoa học, đồng thời tập trung quản lý chất lượng sản phẩm đầu ra, đảm bảo tính ứng dụng và khả năng thương mại hóa. Việc kêu gọi nhà khoa học tham gia các chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước trở nên ít hiệu quả nếu không thay đổi cách tiếp cận này.

Chốt phần phát biểu, TS. Nguyễn Quân vui mừng khi Nghị quyết 57-NQ/TW được ban hành, nhưng cũng lo ngại về tốc độ triển khai còn chậm. “Tôi thấy lãnh đạo cấp cao rất quyết tâm, quyết liệt, nhưng cấp cơ sở, cấp trung gian chưa có sự chuyển biến mạnh tương xứng. Nhiều địa phương vẫn đang loay hoay xây dựng chương trình hành động và tổ chức quán triệt Nghị quyết, trong khi một số nội dung có thể triển khai ngay lập tức”.

“Chúng ta không thể triển khai Nghị quyết 57 theo lối thông thường mà phải thực sự chạy đua. Nếu không nhanh chóng chuyển hóa tinh thần của Nghị quyết thành hành động cụ thể, hiệu quả và quyết liệt, thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá”, ông kết luận.

r4.jpg
TS Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin, thống kê, Bộ Khoa học và Công nghệ

Cũng bàn về vấn đề thay đổi mô hình hoạt động, dưới góc nhìn cơ quan quản lý, TS Trần Đắc Hiến, Cục trưởng Cục Thông tin, thống kê, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ, việc lựa chọn mô hình phát triển phù hợp là rất quan trọng và Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm thành công từ Israel, Bắc Âu, Singapore và Hàn Quốc. Vấn đề cốt lõi là xác định mô hình nào sẽ được áp dụng cho Việt Nam, một điều không dễ dàng và cần sự tham gia đóng góp ý kiến từ các nhà khoa học, chuyên gia để có giải pháp khả thi.

Nghị quyết 57 đã cơ bản giải quyết về mặt chủ trương với hầu hết những vướng mắc của doanh nghiệp, hiện tại các thể chế liên quan đang được tích cực sửa đổi để đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của việc này sẽ phụ thuộc vào chất lượng xây dựng và tốc độ hoàn thiện thể chế. Ông Hiến bày tỏ hy vọng rằng sự đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật sẽ giúp triển khai chủ trương một cách hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh chất lượng của thể chế sẽ quyết định việc giải quyết các vướng mắc.

PHÁT HUY TRÍ TUỆ CON NGƯỜI, ĐI SAU PHẢI LÀM KHÁC

Phân tích thực trạng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam trong nhiều năm qua, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chỉ ra lịch sử Việt Nam có truyền thống tôn vinh khoa học, nhưng trong 40 năm qua, doanh nhân dường như vẫn đang phải tự lực cánh sinh. Câu hỏi đặt ra, vậy lý do nào khiến khoa học công nghệ Việt Nam nhiều năm qua vẫn chưa thể sánh kịp các nước tiên tiến, dù có nhiều tài năng. Ông cho rằng, việc chia sẻ những khó khăn thực tế là rất quan trọng.

r5.jpg
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Thực tế đã chứng minh, việc đảm bảo yếu tố rủi ro trong phát triển công nghệ là yếu tố quan trọng cạnh tranh quốc tế. Ông cũng đề cập đến vấn đề các mục tiêu phát triển cần có tính khả thi và hữu ích. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những yếu tố thuận lợi, ví dụ như tinh thần vượt khó, nếu đất nước đặt ra những mục tiêu đủ thách thức, có thể tạo ra bước phát triển đột phá.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Trần Đình Thiên khẳng định, các nhà khoa học chính là lực lượng nòng cốt để nắm bắt và mở rộng những cơ hội phát triển này. Tuy nhiên, Nhà nước cần nhận thức và tạo điều kiện để điều này diễn ra. “Chúng ta đi sau nên phải làm khác. Đây không chỉ là câu chuyện tháo gỡ những vấn đề cụ thể, mà là yêu cầu phải đưa đất nước trở thành một quốc gia khoa học – công nghệ thực thụ”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Thiên, chiến lược khoa học công nghệ không thể chỉ là bổ sung, hỗ trợ mà phải là chiến lược dẫn dắt sự phát triển quốc gia. Khoa học và Công nghệ cần giữ đúng vai – là trục định hướng, là động cơ thúc đẩy tăng trưởng.

Vị chuyên gia đặc biệt khuyến nghị so sánh hai mô hình phát triển của Đông Bắc Á và Đông Nam Á, trong đó mô hình Đông Bắc Á thể hiện rõ vai trò trung tâm của khoa học và công nghệ trong giải quyết bài toán phát triển, đây là một bài học Việt Nam cần nghiêm túc học hỏi.

Muốn tạo ra những cú nhảy vọt, nhà nước phải đóng vai trò "đỡ đầu nền tảng" và kiến tạo môi trường cạnh tranh thực chất để đổi mới sáng tạo diễn ra hiệu quả. “Hô hào đổi mới là chưa đủ, phải có cạnh tranh, đây mới là nền tảng để đổi mới sáng tạo diễn ra một cách thực chất,” ông Thiên nói.

Việt Nam có tiềm năng lớn nhưng nhiều nơi có nhân tài lại không phát triển được do thiếu sự hỗ trợ đúng cách. Cải cách nên tập trung vào những chỗ đơn giản để tăng hiệu quả. Trong khoa học công nghệ, điều này là điều kiện tiên quyết, cần có lộ trình bài bản. Ông Thiên mong muốn những người có năng lực sẽ quay trở lại đóng góp. Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt của các tập đoàn kinh tế, điều hiện nay vẫn còn rất thiếu trong nền kinh tế Việt Nam.

Là người trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy trong lĩnh vực khoa học công nghệ, GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam đưa ra góc nhìn mang tính học thuật hơn về các vấn đề tại hội thảo. Đồng tình với những quan điểm của các chuyên gia nhận định về khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong việc đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghiệp, đặc biệt là về nhân lực.

r6.jpg
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội

“Với kinh nghiệm giảng dạy đại học lâu năm, tôi hiểu rõ việc xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao đòi hỏi nhiều công sức. Ngoài đầu tư, hạ tầng và thể chế, cần coi trọng tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp là yếu tố then chốt”, ông Thủy nói. Bản thân ông cũng lo ngại về việc giao trọng trách cho những người thiếu ý thức trách nhiệm xã hội. Để tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu xã hội và có đột phá, cần xây dựng đội hình làm việc có sự phối hợp giữa lực lượng chủ chốt và lực lượng hỗ trợ.

Lực lượng chủ chốt trong nghiên cứu khoa học công nghệ bao gồm các trường đại học công nghệ, học viện nghiên cứu, cần có người dẫn dắt và đội ngũ kế cận phân tầng về tuổi tác, kiến thức và kinh nghiệm. Việc tổ chức đội hình như vậy là một thách thức. Một vấn đề nữa được GS Thủy đề xuất, để tăng tính hiệu quả cho doanh nghiệp trong khoa học công nghệ cần có sự cọ xát và tham gia trực tiếp của lực lượng lao động khoa học công nghệ vào doanh nghiệp, bởi một công thức cho thấy sự tách biệt giữa nghiên cứu và thực tiễn doanh nghiệp sẽ kém hiệu quả hơn nhiều.

“Khi có thể chế tốt, đầu tư tốt, hạ tầng tốt, kết hợp với đội ngũ nhân lực chất lượng cao, yêu nước, yêu khoa học, có trách nhiệm, làm việc có tổ chức, hợp tác quốc tế và đồng bộ, chắc chắn Việt Nam sẽ thực hiện thành công các mục tiêu đã đề ra và tạo ra sự khác biệt”, vị giáo sư phát biểu kết thúc phần trình bày.

CHỦ TỊCH VACOD-HBA CẤT TIẾNG NÓI CỦA DOANH NGHIỆP

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp dự hội thảo, TS. Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA), bày tỏ phấn khởi khi được tham gia hội thảo, đồng thời gửi lời chúc sức khỏe và lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả những người làm khoa học và công nghệ Việt Nam nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

TS. Nguyễn Hồng Sơn nhắc lại việc Đảng và Nhà nước đã sớm xác định ưu tiên cho khoa học kỹ thuật từ Đại hội IV năm 1976, coi đó là then chốt. Tuy nhiên, theo ông, quá trình thực hiện đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được kỳ vọng, và đây chính là lý do cần có sự đột phá, tinh thần mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã thể hiện.

r7.jpg
TS. Nguyễn Hồng Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD), Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hà Nội (HBA)

Sau khi lắng nghe các trao đổi từ nguyên Bộ trưởng Nguyễn Quân và các chuyên gia, Chủ tịch Nguyễn Hồng Sơn khẳng định cộng đồng doanh nghiệp rất mong muốn được tiếp cận và ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ông còn băn khoăn về thời điểm Nghị quyết 57 thực sự đi vào cuộc sống và mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp.

Ông Sơn đặt câu hỏi về lộ trình triển khai Nghị quyết 57, khi mà nhiều yếu tố như thể chế, cơ chế quỹ, và hoạt động của Hội Khoa học Công nghệ vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện. Doanh nghiệp lo ngại việc phải chờ đợi đến khi mọi thứ hoàn chỉnh mới có thể tiếp cận được các đề tài và kết quả nghiên cứu tốt. Do đó có thể dẫn đến làm giảm động lực và tác động của khoa học công nghệ đến tăng trưởng kinh tế của đất nước và bản thân doanh nghiệp. Vì vậy, ông muốn đề cập đến một khía cạnh khác so với ý kiến của các nhà khoa học đã trình bày trước đó.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, Chủ tịch Sơn không đi sâu vào các quy trình, thủ tục hay thể chế triển khai đột phá khoa học công nghệ từ góc độ nhà khoa học hay quản lý. Thay vào đó, đứng trên lập trường doanh nhân, doanh nghiệp đề xuất và kiến nghị các nhà khoa học, viện nghiên cứu, đặc biệt là cơ quan quản lý và Bộ Khoa học Công nghệ thông qua Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, có những tham mưu, tư vấn để Nghị quyết 57 nhanh chóng đi vào thực tiễn, áp dụng rộng rãi cho cộng đồng doanh nghiệp. Đây cũng là mong muốn lớn của Bộ Chính trị, Đảng và Nhà nước.

Trong “bộ tứ chiến lược” được Trung ương ban hành, Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân gần đây đã nhắc lại việc cần áp dụng khoa học công nghệ vào cộng đồng doanh nghiệp, đưa vào sản xuất kinh doanh một cách nhanh chóng và tiên phong. Nghị quyết 198 của Quốc hội ban hành ngày 17/5 vừa qua cũng nhằm thể chế hóa cơ bản Nghị quyết 57 về khung khổ pháp luật, dù chưa hoàn chỉnh.

Về vấn đề quỹ khoa học công nghệ, người đứng đầu VACOD-HBA nhận định rằng việc chờ Bộ Tài chính xây dựng và ban hành quy chế hướng dẫn thực hiện và điều lệ quỹ có thể mất thêm thời gian. Thực tế cho thấy, các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ bảo lãnh doanh nghiệp hiện tại dù tồn tại lâu nhưng hiệu quả hoạt động, giải ngân còn rất hạn chế do các quy định, hướng dẫn từ nhà nước còn nhiều rào cản.

Do đó, nếu quỹ công nghệ mới được xây dựng dựa trên nền tảng quy chế tài chính cũ,thì việc triển khai hiệu quả sẽ rất khó khăn. Về cách tiếp cận, ông đồng tình với PGS.TS Trần Đình Thiên về việc cần đuổi kịp, thậm chí vượt các nước phát triển, nhưng cũng cho rằng Việt Nam có thể tìm một lối đi riêng, phù hợp với đặc thù thể chế chính trị của mình để đạt được mục tiêu.

TS. Nguyễn Hồng Sơn lấy dẫn chứng thực tế trên 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Việc các doanh nghiệp này tiếp cận và áp dụng kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời thụ hưởng quyền lợi và hỗ trợ từ Nhà nước, các nhà khoa học, tổ chức khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn trong khâu thanh toán và giải ngân. Với những thủ tục phức tạp, doanh nghiệp vừa và nhỏ không có đủ thời gian để theo đuổi.

Mặt khác, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay không có bộ phận chuyên trách về khoa học, công nghệ để chủ động nghiên cứu và đề xuất các đề tài. Do đó, việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ ngân sách nhà nước trở nên khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, TS Nguyễn Hồng Sơn đề xuất tận dụng các tổ chức khoa học công nghệ, các trường đại học, viện nghiên cứu để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc xác định và triển khai các đề tài nghiên cứu. Nghị quyết 57 và 193 cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp thụ hưởng trực tiếp các hỗ trợ này.

Trên tinh thần đó, một số doanh nghiệp hội viên VACOD-HBA đã làm việc, trao đổi với Học viện Khoa học Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, trực tiếp với các nhà khoa học như PGS.TS Vũ Văn Tích thông qua các chương trình Bữa sáng Doanh nhân do hai Hiệp hội tổ chức, để tìm ra giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp không có đội ngũ nghiên cứu chuyên biệt. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ ngay cả trước khi Nghị quyết 57 ra đời.

“Chính hai Hiệp hội VACOD-HBA cũng đã chủ động phối hợp với các tổ chức khoa học công nghệ để khảo sát trực tiếp nhu cầu tại từng doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp chia sẻ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đặt hàng các tổ chức nghiên cứu tìm giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ. Thay vì tập trung ngay vào nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp ưu tiên đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế và sản phẩm xanh”, Chủ tịch VACOD-HBA nhấn mạnh.

Cách tiếp cận này giúp các nhà khoa học dễ dàng xác định vấn đề và hỗ trợ doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu trở lại cho chính các tổ chức khoa học công nghệ. Quá trình thanh toán kết quả nghiên cứu với Nhà nước sẽ được thực hiện theo hợp đồng với doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp. Điều này tạo ra một chu trình hợp tác hiệu quả, vừa có đề tài cho tổ chức khoa học công nghệ, vừa có kết quả ứng dụng trực tiếp vào doanh nghiệp thông qua các hoạt động kinh tế và hợp đồng nghiên cứu. Doanh nghiệp mong muốn mô hình này được triển khai rộng rãi.

Từ những phân tích trên, TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh rằng sự chủ động hợp tác giữa doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ trong việc khảo sát nhu cầu thực tế là rất quan trọng. Doanh nghiệp đã chia sẻ những thách thức trong sản xuất kinh doanh và đặt hàng các tổ chức nghiên cứu tìm kiếm giải pháp khoa học công nghệ ứng dụng. Thay vì ưu tiên nghiên cứu hàn lâm, doanh nghiệp tập trung vào đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hướng tới các tiêu chuẩn quốc tế.

Cách tiếp cận này tạo điều kiện để các nhà khoa học dễ dàng nắm bắt vấn đề và hỗ trợ doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu trở lại. Quá trình thanh toán kết quả nghiên cứu với Nhà nước sẽ dựa trên hợp đồng giữa doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ, giảm bớt thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

“Mô hình hợp tác này được kỳ vọng sẽ tạo ra một chu trình hiệu quả, mang lại đề tài nghiên cứu thiết thực cho các tổ chức khoa học công nghệ và kết quả ứng dụng trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động kinh tế và hợp đồng nghiên cứu”, lãnh đạo VACOD-HBA bày tỏ.

Xem thêm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Có thể bạn quan tâm

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bốn Nghị quyết là những trụ cột thể chế nền tảng đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư Tô Lâm: Bốn Nghị quyết là những trụ cột thể chế nền tảng đưa đất nước cất cánh trong kỷ nguyên mới

Những Nghị quyết được Bộ Chính trị ban hành cùng tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước, đồng thời liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện…