Theo Vinamilk, sản phẩm cung cấp cho Chương trình Sữa học đường sẽ có logo Sữa học đường và không bán thương mại ngoài thị trường. Đây là loại sữa tươi tiệt trùng có đường hoặc không đường, dung tích 180ml và được sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam.
Sản phẩm đáp ứng theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT, đáp ứng quyết định số 5450/QĐ-BYT của Bộ Y tế đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường, đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-186:2017/BNNPTNT về Sữa tươi nguyên liệu, đáp ứng các chỉ tiêu khác căn cứ theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8-7-2016 của Thủ tướng Chính phủ và các khuyến nghị về dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Theo đó Vinamilk khẳng định, toàn bộ sản phẩm sữa cung cấp cho gói thầu Sữa học đường Hà Nội là sản phẩm sữa tươi tiệt trùng. Chất lượng và nguồn gốc, xuất xứ sữa tươi nguyên liệu tuyệt đối tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về sữa tươi nguyên liệu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Chất lượng sản phẩm sữa tươi tiệt trùng cung cấp cho Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn và quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, Vinamilk dự kiến sẽ nâng tổng đàn bò lên khoảng 200 ngàn con vào năm 2020 nhằm đáp ứng lâu dài cho chương trình Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 không chỉ riêng Hà Nội mà còn các tỉnh, thành phố khác.
Ngày 23-11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ra Quyết định số 2484/QĐ-SGDĐT phê duyệt lựa chọn Vinamilk thực hiện Gói thầu số 01 Mua sữa với giá trúng thầu hơn 3.800 đồng thấp hơn 300 tỷ đồng so với giá gói thầu (hơn 4.100 tỷ đồng), tương đương với 7,55%. Như vậy, việc giảm giá này sẽ tiết kiệm khoảng 7,55% chi phí dự tính cho phụ huynh học sinh và ngân sách nhà nước.
Đơn giá trúng thầu của Vinamilk là 6.286 đồng/hộp thấp hơn 514 đồng so với giá trần của một hộp sữa quy định trong Gói thầu.
Ngoài ra, Vinamilk còn cam kết hỗ trợ 23% thay vì 20% theo nội dung Đề án Sữa học đường giai đoạn 2018 - 2020 đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt. Như vậy, phụ huynh sẽ chỉ phải đóng góp 47% thay vì 50% theo quy định của Đề án đã được duyệt trước đó.
Theo Đề án, trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% và doanh nghiệp hỗ trợ 50%, phụ huynh không phải đóng tiền.