Vĩnh Phúc phải "3 cùng" với doanh nghiệp

Cùng trăn trở, cùng làm, cùng chia sẻ thành công cũng như những thất bại, động viên, tôn vinh kịp thời đối với doanh nghiệp là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với tỉnh Vĩnh Phúc.
Vĩnh Phúc phải "3 cùng" với doanh nghiệp

Chiều 27/12, tại TP. Vĩnh Yên đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc 2016 với sự tham dự của khoảng 500 đại biểu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tới dự Hội nghị.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, bà Hoàng Thị Thúy Lan cho biết, hiện tỉnh có 19 khu công nghiệp và 31 cụm công nghiệp. Sau 20 năm tái lập, kinh tế Vĩnh Phúc tăng trưởng 15,37%/năm. Với phương châm coi các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh, Vĩnh Phúc đã cam kết sẽ tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Đánh giá cao tốc độ phát triển nhanh của Vĩnh Phúc thời gian qua, nhất là thu ngân sách đạt 31.000 tỷ đồng, Thủ tướng cho rằng, Vĩnh Phúc đã giải quyết tương đối có hiệu quả có 3 “điểm nghẽn” phát triển chung về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực. Thể chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng phát triển tốt, nguồn nhân lực được đào tạo căn bản chính là nguyên nhân quan trọng dẫn tới thành công của Vĩnh Phúc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhìn nhận, tiềm năng của tỉnh còn rất lớn, với việc Vĩnh Phúc được quy hoạch là vùng Thủ đô, có nhiều danh lam thắng cảnh, “thương hiệu” Vĩnh Phúc đã bắt đầu hình thành. Thủ tướng mong muốn Vĩnh Phúc nghiên cứu, vận dụng, phát huy tiềm năng để vươn lên trở thành một đầu tàu kinh tế phát triển với tốc độ nhanh nhất trong nhiệm kỳ này.

"Vĩnh Phúc cần có tầm nhìn đưa tỉnh trở thành trung tâm kinh tế động lực vùng Bắc Bộ và cả nước, một thành phố công nghiệp dịch vụ, một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư, du khách và những ý tưởng sáng tạo. Vĩnh Phúc, quê hương của “khoán 10”, phải được coi là nơi khởi nguồn của đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn.

Để đạt tầm nhìn mạnh bạo đó, điểm then chốt là xây dựng được niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Vĩnh Phúc.

Bên cạnh sự phấn đấu của tỉnh, Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng cao, giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định, Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu một số gợi ý với tỉnh trong định hướng phát triển. Thứ nhất, muốn phát triển nhanh, bền vững thì Vĩnh Phúc phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch, chiến lược, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong phát triển.

Thứ hai, tiếp tục cải thiện môi trường sống, môi trường xã hội cho nhà đầu tư tốt hơn nữa.

Cùng với chính quyền Trung ương, Vĩnh Phúc phải tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc tinh thần xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, chủ động đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân. Chính phủ, các Bộ trưởng, Bí thư, Chủ tịch các tỉnh phải chuyển biến thì cả xã hội mới chuyển biến được.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh thực hiện tốt Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp.

Vĩnh Phúc phải “3 cùng” với doanh nghiệp: Cùng trăn trở, tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả nhất, thiết thực nhất; cùng làm, bắt tay vào hành động để kiến tạo phát triển; cùng chia sẻ thành công cũng như những thất bại, động viên, tôn vinh kịp thời đối với doanh nghiệp.

Thứ ba, Vĩnh Phúc phải tiếp tục đi đầu trong phong trào khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, phải tăng gấp đôi số lượng doanh nghiệp vào năm 2020.

Thứ tư, việc chuyển giao công nghệ, phát triển cụm ngành, công nghiệp phụ trợ rất quan trọng, đòi hòi phải có nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu. Thủ tướng tin rằng, nếu có mặt bằng và nguồn nhân lực chất lượng cao thì công nghiệp phụ trợ ở Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục phát triển.

Lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc và các nhà đầu tư

Bên cạnh phát triển, phải chú ý mặt trái của quá trình công nghiệp hóa, quan tâm phát triển hài hòa, bền vững, bảo vệ môi trường để Vĩnh Phúc thực sự trở thành nơi đáng sống, thanh bình, thu hút phát triển.

Đối với nhà đầu tư, Thủ tướng mong muốn, cam kết phải đi đôi với việc làm, có trách nhiệm với cộng đồng.

Tại hội nghị, Vĩnh Phúc đã quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 23 dự án với 21 nhà đầu tư; có 27 dự án của 22 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ cam kết thực hiện dự án tại tỉnh với số vốn trên 1,5 tỷ USD và 102.000 tỷ đồng. Các dự án sẽ được đầu tư nằm trong các lĩnh vực khách sạn, khu du lịch, khu vui chơi giải trí, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp…

Đáng chú ý là các dự án cam kết đầu tư tại Vĩnh Phúc như Dự án Trường đua ngựa quốc tế, các hạng mục thể thao giải trí liên quan và sân golf 72 lỗ theo tiêu chuẩn quốc tế tại tỉnh Vĩnh Phúc với tổng vốn đầu tư dự kiến là 1,5 tỷ USD của Công ty GOMAX I&D (Hàn Quốc) và New Zealand Bloodstock Limited; Dự án Quần thể Khu du lịch sinh thái Tam Đảo II - Bến Tắm - Thác 75 của Tập đoàn Sun Group. Tập đoàn FLC ký kết với UBND tỉnh Vĩnh Phúc biên bản ghi nhớ về việc triển khai giai đoạn 2 dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp FLC Vĩnh Phúc, với tổng mức đầu tư 24.980 tỷ đồng, tương đương 1,1 tỷ USD.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì, tỉnh mời gọi các nhà đầu tư quan tâm đầu tư vào các dự án nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp cơ khí ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử, viễn thông; công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng mới và vật liệu nhẹ; công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp; khu du lịch, vui chơi giải trí cao cấp.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...