Số lượng mã giảm điểm áp đảo, đặc biệt là khối bất động sản, đặc biệt mã VIC là mã giảm sâu nhất trong số các bluechip với mức giảm 3,35% xuống 77.800 đồng/cổ phiếu. Dòng tiền đặc biệt có sự phân hoá rõ nét khi dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ, hàng hoá… Nhiều cổ phiếu ngân hàng, bảo hiểm có mức tăng khá cao như: VPB, OCB, ACB, BID, BVH, BMI, MIG…
Nhiều mã cổ phiếu khác cũng giảm như: MWG -3% xuống 154.000 đồng/cổ phiếu; VJC giảm 2% xuống 138.200 đồng/cổ phiếu; PNJ -1,8% xuống 116.000 đồng/cổ phiếu; VHM -1,7% xuống 75.000 đồng/cổ phiếu. Trước đó ít giờ, hàng trăm mã giảm rất mạnh như: VGC, CKG, OGC, PTL, NVT, CIG, DIG, ROS, SZC, DPG, DXG, IDI…
Kết phiên sáng 7/4, sàn HoSE có 109 mã tăng và 350 mã giảm, VN-Index giảm 10,81 điểm (-0,71%), xuống 1.512,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 496,4 triệu đơn vị, giá trị 16.824,5 tỷ đồng, giảm hơn 6% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên sáng 6/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 14,1 triệu đơn vị, giá trị 695,3 tỷ đồng. Còn sàn HNX có 50 mã tăng và 171 mã giảm, HNX-Index giảm 2,77 điểm (-0,62%), xuống 444,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 53 triệu đơn vị, giá trị gần 1.700 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,12 triệu đơn vị, giá trị 282,5 tỷ đồng.
Trong Báo cáo chiến lược tháng 4/2022, SSI Reseacrh cho rằng, nhà đầu tư đang đẩy mạnh giao dịch trở lại do thị trường chứng khoán đã dần bước vào giai đoạn ổn định hơn khi động thái tăng lãi suất lần đầu của Fed và xung đột tại Ukraine đã phần nào phản ánh vào giá. Nhóm phân tích nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng cao vẫn sẽ duy trì ở các nhóm ngành nhỏ như dịch vụ cảng biển, hóa chất, thép và các sản phẩm từ thép, dịch vụ tài chính, bán lẻ và các nhóm ngành liên quan hoạt động xuất khẩu.