VNG sẽ chào bán tối đa 360.000 cổ phiếu quỹ với giá chào bán tối thiểu 1 triệu đồng (43,5 USD)/cổ phiếu. Tiền thu được từ đợt phát hành riêng lẻ này sẽ được sử dụng để mở rộng sự hiện diện của VNG tại thị trường trong và ngoài nước cũng như phục vụ một số khoản đầu tư trong tương lai.
Được biết, phát hành cổ phiếu riêng lẻ là một bước trong kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên sàn Nasdaq (Mỹ).
Tháng 5/2017, VNG đã ký một Biên bản ghi nhớ (MoU) để niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ. Dự kiến, VNG sẽ là công ty Việt Nam đầu tiên IPO ở nước ngoài.
Vào tháng 10/2018, VNG đã công khai chi tiết về cơ cấu sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài ở mức 44,26%. Quỹ đầu tư GIC của chính phủ Singapore nắm giữ 8,14% cổ phần, trong khi Goldman Sachs sở hữu 3,55%.
Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2019 ghi nhận doanh thu của VNG đạt 3.161 tỷ đồng, giảm nhẹ so cùng kỳ năm trước; lãi ròng 391 tỷ, giảm 52,3% do lỗ hoạt động liên kết và chi phí bán hàng tăng cao.
Tại thời điểm 30/9, công ty có tổng nguồn vốn 4.694,6 tỷ đồng gồm 803,3 tỷ đồng nợ phải trả và 3.891 tỷ vốn chủ sở hữu. Trong vốn chủ sở hữu, vốn cổ phần 345 tỷ, thặng dư vốn cổ phần 518 tỷ, cổ phiếu quỹ âm 2.006 tỷ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 5.013 tỷ đồng.
Nhiều năm qua, VNG luôn chi một lượng tiền lớn để mua lại cổ phiếu quỹ. Năm 2017, công ty chi 352,2 tỷ nâng giá trị cổ phiếu quỹ mua vào lên 2.006 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm nay không mua thêm.
Khởi đầu là một doanh nghiệp phát hành game, VNG đã mở rộng sang lĩnh vực thanh toán, truyền thông xã hội và điện toán đám mây. Năm 2014, VNG được World Startup Report định giá 1 tỷ USD. Cho tới nay, VNG vẫn được coi là "startup kỳ lân" duy nhất tại Việt Nam.