VPBank gỡ hạn chế chuyển nhượng 4,46 triệu cổ phiếu ESOP

Ngân hàng VPBank sẽ giải tỏa 30% lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, được phát hành theo chương trình ESOP 2021.
VPBank gỡ hạn chế chuyển nhượng 4,46 triệu cổ phiếu ESOP

Ngày 10/8, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, HoSE: VPB) thông báo giải tỏa đợt một 30% lượng cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng, phát hành theo chương trình lựa chọn người lao động năm 2021 (ESOP 2021), tương đương 4,46 triệu cổ phiếu. Thời gian dự kiến giải tỏa từ ngày 15-19/8.

Đầu tháng 7, VPBank cũng thông báo phát hành 30 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP 2022 với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. VPBank sẽ dùng 30 triệu cổ phiếu quỹ để chào bán cho cán bộ nhân viên với tỷ lệ 0,675%. Tổng số tiền thu được sau khi phát hành ESOP là 300 tỷ đồng.

Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa trong vòng ba năm từ ngày kết thúc đợt chào bán. Sau năm đầu tiên, 30% số cổ phần sẽ được giải toả, năm thứ hai và năm thứ ba lần lượt có tỷ lệ giải toả là 35%.

VPBank cho biết mục đích đợt phát hành cổ phiếu ESOP lần này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ nhân viên (CBNV), gắn liền lợi ích của CBNV với lợi ích công ty, tạo động lực cho người lao động. Ngoài ra còn khuyến khích CBNV, tăng động lực cho CBNV khi công tác chuyên môn, thu hút nhân tài và giữ chân những CBNV có năng lực.

VPBank hiện có 60,2 triệu cổ phiếu quỹ và hơn 4,4 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Sau đợt chào bán này, số lượng cổ phiếu quỹ của VPBank sẽ giảm xuống còn hơn 30,2 triệu đơn vị.

Tại kỳ họp ĐHCĐ thường niên 2022, cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ thành hai đợt. Đầu tiên, ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 50%, từ các nguồn lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ. Thời gian thực hiện vào quý II hoặc quý III. Sau khi hoàn thành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng.  

Đợt thứ hai, VPBank dự kiến phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại VPBank lên tối đa 30% vốn điều lệ. Mức giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa hai bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của VPBank. Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm từ ngày hoàn tất đợt phát hành.

Nếu hoàn thành đợt tăng vốn thứ hai, vốn điều lệ sẽ tăng lên 79.334 tỷ đồng, đứng đầu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Về tình hình kinh doanh, tính đến cuối quý II, dư nợ tín dụng ngân hàng hợp nhất của VPBank đạt 436.000 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng của riêng ngân hàng mẹ là 14,3%, cao hơn mức trung bình 9,35% toàn ngành. Doanh số giải ngân 6 tháng đầu năm của hai phân khúc khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ đã tăng trên 30% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu đến từ các sản phẩm cho vay thế chấp.

Thu nhập hoạt động hợp nhất đạt 31,6 nghìn tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. VPBank cho rằng thu nhập từ lãi tăng ổn định nhờ tín dụng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021. Tương tự, thu nhập thuần từ phí tăng 34,5% so với 6 tháng đầu năm 2021, ghi nhận gần 2.800 tỷ đồng, do tăng doanh thu từ hoạt động thanh toán, kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, quản lý tài khoản và dịch vụ thẻ.

Thu nhập từ nợ đã xử lý đạt kết quả khả quan, tăng 26% so với cùng kỳ với trên 1.700 tỷ đồng.

VPBank cho biết nhờ tăng trưởng mạnh về doanh thu và kiểm soát tốt chi phí, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 70% so với cùng kỳ, đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tương đương hoàn thành 52% kế hoạch năm.

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 23,4% và tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 3,5%.

Có thể bạn quan tâm