VPBank sắp gia nhập câu lạc bộ có tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng, đã có kế hoạch giúp GPBank thoát lỗ

Ban lãnh đạo VPBank cho biết, sẽ cố gắng vượt qua những biến động kinh tế để giúp tổng tài sản ngân hàng sớm vượt 1 triệu tỷ đồng và hoàn thành những mục tiêu khác mà đại hội đồng cổ đông giao phó...

Toàn cảnh đại hội đồng cổ đông VPBank năm 2025

Ngày 28/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - mã chứng khoán: VPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.

Báo cáo cổ đông tại đại hội, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, cho biết ban lãnh đạo đánh giá, năm 2025 có nhiều yếu tố tích cực hỗ trợ ngành ngân hàng phát triển, trong đó có mục tiêu tăng trưởng kinh tế tối thiểu 8% mà Chính phủ đặt ra. Để đạt mục tiêu này, tín dụng ngân hàng sẽ đóng vai trò không nhỏ trong việc cung ứng vốn, hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế tăng trưởng.

Do đó, VPBank đã mạnh dạn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với năm liền trước. Đây cũng là mục tiêu lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của ngân hàng.

Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến đưa tổng tài sản hợp nhất vượt 1,13 triệu tỷ đồng vào cuối năm. Số liệu thực tế đến cuối tháng 3 đã đạt trên 994.000 tỷ đồng. “Dự kiến trong tháng 4 hoặc chậm thì tháng 5, tổng tài sản VPBank sẽ chính thức vượt mốc 1 triệu tỷ đồng”, ông Vinh thông tin.

Chia sẻ thêm về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Tổng giám đốc VPBank cho hay, trong bối cảnh dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn còn tiềm năng, ngân hàng xác định nhóm khách hàng FDI là phân khúc hứa hẹn trở thành động lực tăng trưởng mới.

Theo đó, VPBank sẽ tiếp tục tìm kiếm, khai thác cơ hội trong phân khúc FDI, hướng tới phục vụ 1.000 khách hàng trong năm 2025, với trọng tâm là tăng trưởng huy động và dịch vụ phi tín dụng.

Riêng đối với chiến lược cải tổ GPBank, ông Vinh nhấn mạnh, quá trình chuyển giao được ngân hàng thực hiện theo quy định của pháp luật và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền với mục tiêu từng bước khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục các yếu kém, qua đó đưa GPBank dần trở thành ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, đảm bảo khả năng hoạt động liên tục.

“Ban lãnh đạo ngân hàng sẽ có các phương án hỗ trợ, giúp GPBank có lãi trong năm 2025 này”, Tổng Giám đốc VPBank cho biết.

Trả lời bổ sung, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank cho biết, trong đề án tái cơ cấu GPBank, Ban điều hành đã chuẩn bị rất kỹ các phương án. Hiện VPBank đã nhận được danh sách nhân sự cử sang GPBank đã được Ngân hàng Nhà nước chuẩn y.

"Chúng tôi cũng sắp kết thúc việc xây dựng chiến lược cùng đối tác tư vấn McKinsey, xây dựng chương trình hành động một cách chi tiết. Với nguồn lực, kinh nghiệm sẵn có, chúng tôi tin tưởng sẽ tái cơ cấu GPBank thành công. Dự kiến, GPBank có thể chuyển từ lỗ sang có lãi, dự kiến đạt ít nhất 500 tỷ đồng lợi nhuận năm 2025”, ông Dũng khẳng định.

Tại đại hội, còn hai vấn đề được cổ đông quan tâm đó là cổ tức 5% bằng tiền mặt và việc VPBank muốn lập công ty bảo hiểm nhân thọ có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng.

Chia sẻ thẳng thắn với cổ đông, ông Dũng cho biết, đối với ngân hàng, nguồn vốn đóng vai trò vô cùng quan trọng và việc chia cổ tức bằng tiền sẽ ảnh hưởng tới nguồn vốn này. Tuy nhiên, từ năm 2022, VPBank quyết định thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp, trên cơ sở cân đối vừa đáp ứng nhu cầu cổ đông nhưng vẫn đảm bảo đủ vốn để tăng trưởng quy mô tương đối cao theo chiến lược đã xây dựng trong các năm tiếp theo. Do đó, trong hai năm tới, ngân hàng tiếp tục chia cổ tức bằng tiền, tỷ lệ chia bao nhiêu thì phụ thuộc vào tình hình vĩ mô, quy mô tăng trưởng của ngân hàng.

Còn với nội dung công ty bảo hiểm nhân thọ, ông Bùi Hải Quân, Phó Chủ tịch VPBank cho biết, VPBank muốn vượt ra khỏi khuôn khổ là một ngân hàng đơn lẻ và xây dựng một Tập đoàn đa ngành gồm: ngân hàng, công ty tài chính tiêu dùng (FE Credit), công ty chứng khoán (VPBank Securities) và công ty bảo hiểm phi nhân thọ (OPES). Hay hiểu đơn giản, VPBank đang hoàn thiện thêm hai mảnh ghép là bảo hiểm nhân thọ và công ty quản lý quỹ.

Ngoài ra, nếu chỉ hợp tác phân phối bảo hiểm với các đối tác khác, VPBank sẽ luôn bị động về sản phẩm, mô hình kinh doanh và đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc khách hàng. Do đó, ngân hàng xác định phải chủ động nguồn kinh doanh, từ sản phẩm cho tới tệp khách hàng và quy trình khai thác.

Thêm nữa, ông Quân nhận định, bảo hiểm nhân thọ và ngân hàng có sự gắn kết rất chặt chẽ về mô hình kinh doanh cũng như sự tương tác trong hệ sinh thái khách hàng.

"Với kinh nghiệm vận hành OPES, chúng tôi tin rằng việc thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ lần này sẽ giúp tổ chức này vận hành hiệu quả, ứng dụng công nghệ mạnh mẽ ngay từ đầu và mang lại hiệu quả tối ưu. Công ty mới này cũng sẽ vận hành độc lập về tài chính, vốn chủ sở hữu", ông Quân nhấn mạnh.

Sau khi nghe những chia sẻ thẳng thắn từ ban lãnh đạo VPBank, tất cả tờ trình đều được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Có thể bạn quan tâm