Vụ 50 tỉ đồng 'bốc hơi': Khách hàng đòi tiền khẩn cấp, Eximbank kêu chờ

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) vừa có công văn phản hồi ông Nguyễn Tiến Nam với nội dung chưa trả số tiền gửi tiết kiệm khoảng 28 tỉ đồng của ông tại nhà băng này.
Vụ 50 tỉ đồng 'bốc hơi': Khách hàng đòi tiền khẩn cấp, Eximbank kêu chờ

Eximbank đề nghị tạm ứng 1,55 tỉ đồng, khách hàng từ chối

Ông Nguyễn Tiến Nam là một trong 6 người gửi tiền tại Phòng giao dịch Eximbank Đô Lương (Nghệ An), liên quan đến vụ việc Nguyễn Thị Lam rút hơn 50 tỉ đồng trong các số tiết kiệm của những khách hàng này. Ông Nam gửi 13 sổ tiết kiệm với số tiền hơn 28 tỉ đồng nhưng Lam đã rút hơn 27,8 tỉ đồng, chỉ còn lại hơn 195,9 triệu đồng vào năm 2016.

Theo đơn của ông Nam: “Ngay khi sự việc xảy ra, tôi đã yêu cầu Eximbank tất toán 13 sổ tiết kiệm trả lại tiền gửi tiết kiệm cho tôi, thì được đại diện Eximbank trả lời vụ việc cần được điều tra làm rõ. Khi có kết luận của cơ quan pháp luật thì Eximbank trả lại tiền. Sau khi có kết luận điều tra của cơ quan công an và cáo trạng của Viện Kiểm sát và gần 2 năm trời chờ đợi mà tôi vẫn chưa nhận được tiền của mình”.

Ngày 12.3.2018, ông Nam ủy quyền cho các luật sư của mình vào Hội sở chính của Eximbank tại TP.HCM làm việc với Ban giám đốc để yêu cầu trả lại tiền trước lúc vụ án được đưa ra xét xử, dự kiến vào ngày 25.4. Tại buổi làm việc này phía ngân hàng hứa trả lời bằng văn bản trong tuần nhưng đến ngày 20.3, đại diện Eximbank đến làm việc trực tiếp với ông Nam và luật sư tại Đô Lương đề nghị sẽ tạm ứng cho ông Nam số tiền 1,55 tỉ đồng, kèm theo các điều khoản do Eximbank soạn sẵn, số tiền còn lại phải chờ phán quyết của tòa án.

Ông Nam cho rằng: “Việc đưa đề nghị tạm ứng là sự xúc phạm của Eximbank đối với bản thân tôi, gián tiếp mà nói là nghi ngờ khách hàng thông đồng với cán bộ của mình để chiếm đoạt tiền của Eximbank khi không tin vào kết quả điều tra của cơ quan công an mặc dù Eximbank không khiếu nại kết luận đó. Tôi không chấp nhận đề nghị của phía ngân hàng mà vẫn tiếp tục yêu cầu Eximbank trả tiền cho tôi trước lúc xử”.

Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, lòng tin khách hàng

Theo bản kết luận điều tra số 05/PC46 ngày 23.8.2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Nghệ An: “Trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2016, Nguyễn Thị Lam đã lợi dụng lòng tin của khách hàng, lừa dối khách hàng ký các lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê chi tiền. Mỗi lần cần chữ ký của khách hàng, Lam dùng thủ đoạn như trả tiền lãi suất, tiền thưởng cho khách hàng và trộn lẫn các thủ tục này là các chứng từ như lệnh chi; bảng kê tiền; ủy nhiệm chi để khách hàng ký một cách không có kiểm soát, sau đó Lam cầm về sử dụng hợp thức hóa rút tiền hoặc chuyển tiền. Cũng có nhiều trường hợp Lam giả mạo chữ ký của khách hàng và lừa dối nhân viên ngân hàng là rút chuyển tiền cho khách hàng. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo, lòng tin của đồng nghiệp, của khách hàng và cách làm sai quy định của lãnh đạo Phòng giao dịch Đô Lương, của nhân viên Eximbank chi nhánh Vinh trong việc giải quyết rút tiền tiết kiệm. Bằng các thủ đoạn trên Lam đã rút tiền gửi của 6 khách hàng trong Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỉ đồng. Trong đó từ năm 2012 đến ngày 7.4.2016 Lam đã rút tiền gửi của khách hàng với tổng số tiền hơn 15,79 tỉ đồng; từ ngày 7.4.2016 đến 30.8.2016 dù đã chấm dứt hợp đồng lao động nhưng Lam đã lập hồ sơ thủ tục nhằm chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng trong hệ thống Eximbank với tổng số tiền hơn 34,28 tỉ đồng.

Đối với trường hợp 13 sổ tiết kiệm của ông Nam gửi tại Eximbank với tổng số tiền hơn 28 tỉ đồng, các chứng từ tại ngân hàng thể hiện đã rút tiền mặt và ủy nhiệm chi nhưng chưa in vào sổ tiết kiệm hơn 27,8 tỉ đồng, còn lại 195,9 triệu đồng (tiền gốc). Nguyễn Thị Lam rút 26,95 tỉ đồng từ tài khoản tiết kiệm của ông Nam bằng chuyển khoản. Lam nói dối ông Nam ký khống vào ủy nhiệm chi để chuyển tiền khuyến mại, có khi nói làm thủ tục rút tiền lãi. Lam sử dụng các ủy nhiệm do ông Nam ký khống hoặc do Lam ký giả mạo chữ ký ông Nam và nói dối với giao dịch viên, kiểm soát, lãnh đạo ngân hàng là chuyển tiền từ tài khoản của ông Nam sang tài khoản không kỳ hạn của ông Nam, sau đó chuyển ủy nhiệm chi đến tài khoản cá nhân cho ông Nam để mua hàng. Nhưng thực chất là Lam nhờ tài khoản và sau đó rút ra để chiếm đoạt.

Căn cứ quyết định số 1160/2004/QĐ-NHNN ngày 13.9.2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về ban hành Quy chế tiền gửi tiết kiệm, và Quy chế tiền gửi tiết kiệm ban hành kèm theo Quyết định số 356/2012/EIB/QĐ/HĐQT ngày 08.9.2014 của Eximbank thì để rút gốc và lãi tiền gửi tiết kiệm, người gửi tiền phải trực tiếp đến phòng giao dịch xuất trình thẻ tiết kiệm, xuất trình chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu, nộp giấy rút tiền có chữ ký đúng với chữ ký đã đăng ký... Do áp lực chỉ tiêu kinh doanh và ưu tiên phục vụ khách VIP. Mặt khác quá tin tưởng Nguyễn Thị Lam nên lãnh đạo và nhân viên phòng giao dịch Eximbank Đô Lương - Chi nhánh Vinh đã không thực hiện đúng mà làm trái quy định của Ngân hàng Nhà nước và của Eximbank trong việc giải quyết rút tiền gửi tiết kiệm.

Hành vi lừa dối khách hàng để khách hàng ký vào lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, một số chứng từ Lam giả mạo chữ ký của khách hàng và lừa dối nhân viên ngân hàng là rút, chuyển tiền hộ cho khách hàng gửi tiết kiệm, Lam đã rút ra khỏi hệ thống Eximbank với tổng số tiền hơn 50 tỉ đồng để sử dụng cho bản thân. Hành vi này của Lam đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” cần xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự. Về trách nhiệm dân sự buộc Nguyễn Thị Lam phải bồi thường số tiền mà Lam đã rút (tại các sổ tiết kiệm của khách hàng trong hệ thống Eximbank) để chiếm đoạt cho Eximbank.

Đối với khách hàng có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án như ông Nguyễn Tiến Nam, bà N.T.K.H... vì tin tưởng nhân viên Eximbank chi nhánh Vinh, tin tưởng Nguyễn Thị Lam, họ đã có lỗi không cảnh giác nên đã ký trên lệnh chi, ký khống ủy nhiệm chi, bảng kê rút tiền chi, Lam đã sử dụng các loại giấy tờ này rút tiền trong hệ thống Eximbank. Quá trình điều tra không có căn cứ xác định họ đồng phạm với Lam để rút tiền trong hệ thống ngân hàng. Hành vi này của họ không xử lý bằng pháp luật hình sự nhưng những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cần xem đây là bài học lớn để rút kinh nghiệm".

Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Eximbank giải quyết những đề nghị của 6 khách hàng gửi tiền tiết kiệm và buộc Nguyễn Thị Lam bồi thường lại toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt của Eximbank. Ngoài ra, tại bản Cáo trạng số 34/VKS-P3 ngày 08.02.2018 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục khẳng định những thông tin trên.

Eximbank vẫn yêu cầu chờ phán quyết của tòa

Tại công văn Eximbank trả lời ông Nam ngày 23.3, Eximbank nêu ý kiến: “Hiện nay, Cơ quan điều tra đã ban hành kết luận điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành cáo trạng và Tòa án vẫn đang quá trình xem xét giải quyết, vẫn chưa có bất kỳ bản án có hiệu lực pháp luật nào được ban hành. Vì thế mọi ý kiến nêu trong kết luận điều tra hay bản cáo trạng mới chỉ là ý kiến từ phía Cơ quan điều tra hay Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, chưa phải là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật phải thi hành. Do đó các ý kiến của ông yêu cầu Eximbank phải ngay lập tức thanh toán, Eximbank chưa thể thực hiện”.

Ông Nam cho rằng: “Eximbank lại chối bỏ trách nhiệm và bảo tôi phải chờ phán quyết của tòa án, số tiền gửi của tôi là hơn 28 tỉ đồng chưa kể tiền lãi suất. Việc xét xử của tòa án sắp tới là xét xử hành vi phạm tội của 16 cán bộ của Eximbank phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái các quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tài sản bị chiếm đoạt là của Eximbank. Về hình sự tòa án sẽ tuyên phạt mức án cụ thể đối với các bị cáo, về dân sự tòa án sẽ tuyên các bị cáo phải bồi thường cho Eximbank bao nhiêu tiền. Do vậy tôi không có lý do gì, nói cách khác không có quy định bắt buộc tôi phải chờ phán quyết của tòa án rồi mới được phép đưa sổ tiết kiệm đến Eximbank để rút tiền”.

Ông Nam yêu cầu Eximbank trả ngay số tiền trên cho mình chứ không phải chờ phán quyết của bất kỳ cơ quan nào nữa. Còn nếu không sẽ thực hiện ủy quyền cho 10 người/1 sổ tiết kiệm để họ đến các phòng giao dịch Đô Lương, Chi nhánh Vinh và các phòng giao dịch khác của Eximbank trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thậm chí là vào tận hội sở chính tại TP.HCM để yêu cầu rút tiền trên sổ tiết kiệm, nếu Eximbank không cho rút tiền thì sẽ cho người đứng chờ liên tục tại đó ngày này qua ngày khác để thông báo cho các khách hàng đến giao dịch với Eximbank biết về sự việc này.

 Theo Thanh Niên

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...