Xăng E5 tiêu thụ thấp: Dân “chê” hay doanh nghiệp không muốn bán?

Đề xuất mới đây của Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) về việc hỗ trợ kích cầu xăng E5, hoặc được bán lại xăng A92 đang tạo ra những luồng ý kiến trái chiều.
Xăng E5 tiêu thụ thấp: Dân “chê” hay doanh nghiệp không muốn bán?

Liệu đề xuất này xuất phát từ thực trạng người tiêu dùng “chê” xăng E5 hay vì lợi ích của doanh nghiệp (DN)?

Theo nội dung đề xuất của Saigon Petro gửi liên Bộ Công thương - Tài chính, xăng E5, A92 trong 2 tháng đầu năm 2018 chỉ chiếm chưa tới 30% tổng sản lượng xăng tiêu thụ, còn lại hơn 70% là xăng A95, trong khi xăng A92 trước đây là trên 65%.

Không chỉ Saigon Petro xác nhận sản lượng tiêu thụ chậm, đại diện Petrolimex cũng cho hay tỷ lệ tiêu thụ xăng E5 trong tổng bán xăng của hệ thống này đạt khoảng 50%, sụt giảm so với A92 khoảng 5% - 7%, và thừa nhận đang có xu hướng chuyển dịch sang dùng A95 nhiều hơn. Tương tự, một số DN bán lẻ xăng dầu khác tại TPHCM cũng cho hay, sau hơn 3 tháng bán xăng E5, lượng tiêu thụ loại xăng sinh học này chỉ chiếm 30%.

Lý do vì sao xăng E5 tiêu thụ thấp? Ghi nhận thực tế cho thấy, nguyên nhân không phải hoàn toàn do người tiêu dùng chê chất lượng xăng E5, mà còn ẩn chứa những “uẩn khúc” bên trong.

Ngoài một số người tiêu dùng do tâm lý lo ngại xăng E5 sử dụng hao, ảnh hưởng đến động cơ máy, thì những người muốn sử dụng loại xăng này lại có những “nỗi lòng” riêng nên buộc phải miễn cưỡng chuyển qua sử dụng xăng A95. “Ra cây xăng muốn đổ E5 nhưng nhân viên cứ ưu ái đổ cho người mua A95, đứng chờ lâu nên phải nhún nhường đổ A95. Chưa kể, ghé 10 cây xăng chỉ có 3 cây có xăng E5. Nhiều nơi để bảng E5 nhưng thực tế không hề có”, chị Nguyễn Thị Huyền (ngụ quận 9) cho biết.

Việc khan hiếm trụ xăng E5 cộng với sự thờ ơ của nhân viên bán xăng và thông tin tuyên truyền kém là những nguyên nhân khiến xăng E5 tiêu thụ thấp. “Tôi đi đổ xăng toàn thấy xăng A95, tìm mỏi mắt mới thấy một trụ E5, yêu cầu đổ thì nhân viên tỏ vẻ khó chịu ra mặt. Thậm chí, trong một cây xăng, 5 cột bơm thì 4 cột bơm A95, chỉ có 1 cột bơm E5 nhưng đôi lúc không bán, thì làm sao tăng sản lượng xăng E5 được. Theo tôi, cơ quan chức năng cần quy định các trạm xăng phải đầu tư trụ xăng E5 và A95 với tỷ lệ 5 - 5 trở lên mới có thể kích cầu được”, anh Pham Văn Hùng (ngụ huyện Củ Chi) đề nghị. “Thực tế, xăng E5 bán chậm không phải vì đa số người dân phản đối mà vì các DN không muốn bán.

Lý do, lợi nhuận DN thu chỉ tương đương với xăng A95, trong khi bảo quản xăng E5 khó, dễ bốc hơi, phải đầu tư cơ sở vật chất... Do đó, muốn kích thích người dân sử dụng xăng E5, cần tạo ra sự chênh lệch cao trong chiết khấu giữa 2 loại xăng E5 và A95 để tăng động lực bán, đồng thời điều chỉnh chính sách thuế và hỗ trợ thêm về giá để tạo chênh lệch hơn nữa giữa 2 loại xăng”, TS Trần Minh Ngọc, Đại học Quốc gia TPHCM, phân tích.

Theo nhận định của các chuyên gia, khúc mắc trong việc sản lượng tiêu thụ xăng E5 thấp vẫn nằm ở khâu giá cũng như thông tin chính thống về chất lượng loại xăng này. Do đó, để kích thích tiêu dùng xăng E5 theo chủ trương của Chính phủ, trước mắt không nên thu thuế môi trường, song song với việc ban hành các chính sách hỗ trợ về giá. Về chất lượng xăng E5, các ngành chức năng cần thông tin rõ ràng những dòng xe nào có thể sử dụng, dòng xe nào không thể sử dụng và công bố rộng rãi cho người tiêu dùng biết để lựa chọn. 

Theo TS Trần Minh Ngọc, sử dụng xăng E5 là một xu thế tất yếu nên DN lẫn các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, tư vấn rõ cho người tiêu dùng biết động cơ nào sử dụng xăng E5 an toàn, để họ có thể tin tưởng vào nhiên liệu sinh học. Đơn cử, thời gian qua, Tổng công ty Dầu Việt Nam đã có khuyến cáo nêu rõ đối với các loại xe sử dụng động cơ cũ trước 1993, acid trong xăng sinh học có thể gây ảnh hưởng đến các gioăng cao su, nhựa, polymer của động cơ. Đối với các xe có động cơ sản xuất sau 1993, điều này gần như không xảy ra, do vật liệu của động cơ, đặc biệt là hệ thống cung cấp nhiên liệu, đã được cải tiến. Hay Honda cũng đã đưa ra thông báo các sản phẩm của hãng có thể sử dụng được xăng E5. Yamaha cho rằng các mẫu xe của họ cũng tương thích với ethanol… “Hỗ trợ giá ở mức hợp lý và tuyên truyền kịp thời thông tin đúng bản chất chất lượng xăng E5 đến người tiêu dùng sẽ nhanh chóng tăng sản lượng tiêu thụ. Nếu cho sử dụng lại A92, như đề xuất của DN, là đi ngược lại xu hướng tất yếu của thế giới về sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường”, TS Trần Minh Ngọc nói.

Liên quan đến nguồn cung xăng A92 “đi về đâu” sau khi bị “khai tử” từ ngày 1-1-2018, các DN kinh doanh xăng dầu cho biết đã xử lý xong (bán hết) theo đúng lộ trình quy định. Trường hợp có DN còn tồn đọng xăng A92, cũng sẽ được xử lý bằng cách thông qua phối trộn để chuyển hóa thành xăng sinh học (xăng E5) và tiếp tục tiêu thụ trên thị trường bình thường; không gây ảnh hưởng đến chất lượng.

Theo Lạc Phong / SGGP

Có thể bạn quan tâm

Giá xăng giảm lần thứ 3 liên tiếp

Giá xăng tiếp tục giảm lần thứ 3 liên tiếp

Trong bối cảnh giá xăng thế giới đang trên đà chinh phục đỉnh mới, giá bán lẻ xăng trong nước lại có xu hướng ngược lại khi tiếp tục được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm trong kỳ điều hành tuần này…

Giá vàng thế giới nóng lên trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Giá vàng thế giới nóng lên trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ

Giá vàng thế giới tăng nhẹ trong phiên giao dịch quốc tế khi nhà đầu tư tận dụng cơ hội mua vào trước thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ và hàng loạt dữ liệu kinh tế sắp công bố. Trong nước, giá vàng vẫn duy trì ở mức cao, chênh lệch khoảng 2,4 triệu đồng/lượng so với giá thế giới…