Xử lý nợ xấu đang vướng ở đâu?

Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý chiếm 5,8% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ này sẽ l

Theo báo cáo tóm tắt Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, quá trình tổng kết cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng xử lý nợ xấu còn chậm là do cơ chế, chính sách, pháp luật về xử lý nợ xấu chưa hoàn thiện, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD, quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế hiệu quả của việc xử lý nợ xấu, cụ thể như:

Thứ nhất, Luật Đất đai chỉ cho phép TCTD được nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất đã hạn chế quyền mua, bán nợ có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của các chủ thể khác không phải là TCTD; pháp luật hiện hành cho phép được mua, bán nợ, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường, nhưng chưa có quy định cụ thể về bán nợ thấp hơn giá trị ghi sổ... Các bất cập này cản trở việc tạo lập và phát triển thị trường mua bán nợ xấu, chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD/VAMC.

"Thứ hai, nhiều quy định của pháp luật về xử lý tài sản bảo đảm còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm như: quy định về xử lý vi phạm nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm, quy định cho phép kê biên cả tài sản bảo đảm, quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản...

Thứ ba, thời gian xử lý nợ, tài sản bảo đảm qua tòa án không hiệu quả (thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế là khoảng 2 năm; chi phí chiếm khoảng: 29% giá trị đòi nợ; chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18) . Trong khi đó pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.

Thứ tư, pháp luật về thuế, phí liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn nhiều quy định không hợp lý ảnh hưởng đến quyền chủ nợ hợp pháp của TCTD. Các vướng mắc pháp lý nêu trên hầu hết liên quan đến quy định tại các Luật nên để xử lý các bất cập, khó khăn, vướng mắc này thì cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao như hình thức nghị quyết hoặc luật của Quốc hội.

Nếu những khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý nợ xấu của TCTD, VAMC không được xử lý thì có thể dẫn đến những bất cập như:

Thứ nhất, không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu của các TCTD.

Thứ hai, không có cơ chế, chính sách tạo điều kiện, hỗ trợ VAMC, TCTD xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ ba, những bất cập, thiếu hụt trong khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm nếu không được xử lý kịp thời sẽ kéo dài thời gian xử lý nợ xấu, làm ảnh hưởng tới niềm tin đối với ngành ngân hàng, ảnh hưởng không tốt đến sự an toàn, lành mạnh của hệ thống các TCTD và tạo ra nguy cơ rủi ro lan truyền.

Thứ tư, mô hình tăng trưởng của Việt Nam còn phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng. Do vậy, nếu các khó khăn, vướng mắc về xử lý nợ xấu không được tháo gỡ, thì sẽ không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, hạn chế quyền tiếp cận vốn của doanh nghiệp, khó giảm được lãi suất cho vay, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.

Ngoài ra, quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm giai đoạn vừa qua cho thấy, khó khăn, vướng mắc của quá trình xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm còn do cách hiểu và thực thi pháp luật chưa thống nhất. Khi xử lý nợ xấu qua tòa án, TCTD, VAMC còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do cách hiểu, cách áp dụng pháp luật không thống nhất của các tòa án như: cách hiểu về một người dùng tài sản của mình để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ của người khác, cách hiểu quy định biện pháp thế chấp và bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất; về một tài sản có thể đảm bảo cho nhiều nghĩa vụ,...

Các vướng mắc này, NHNN đã báo cáo với Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã có văn bản gửi Tòa án nhân dân tối cao đề nghị tháo gỡ. Bên cạnh đó, hiệu quả của công tác thi hành án dân sự liên quan đến thu hồi nợ tín dụng, ngân hàng còn hạn chế, nợ tồn đọng tại khâu thi hành án dân sự tính đến 31/03/2017 là 17.184 việc, với số tiền còn phải thi hành án khoảng 65.489 tỷ đồng.

Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016, Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng Khóa XII xác định chủ trương lớn trong cơ cấu lại thị trường tài chính là: “Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro các TCTD. Tiếp tục cơ cấu lại các TCTD; xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống”.

Đồng thời, để triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD gắn với nợ xấu giai đoạn 2016-2020, một trong các yêu cầu được Bộ chính trị đặt ra là tạo cơ chế xử lý nợ xấu gắn với xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu. Nghị quyết 23/2016/QH14, Nghị quyết 24/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đều xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ trọng tâm. Do vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Có thể bạn quan tâm