"Hệ thống đường sắt từ thời mông muội vẫn vận hành"

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng với tư cách là tư lệnh ngành, Bộ trưởng GTVT cần lên tiếng về tình trạng tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp những ngày qua.
"Hệ thống đường sắt từ thời mông muội vẫn vận hành"

Bên hành lang Quốc hội sáng 28/8, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nói tai nạn đường sắt xảy ra liên tiếp có trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT. Việc chỉ đạo giải quyết vấn đề tai nạn cần phải công bố cho người dân biết để cùng tham gia, không nên coi việc xây dựng hệ thống giao thông an toàn là bí mật của ngành đường sắt.

Các vụ tai nạn đường sắt liên tục xảy ra trong những ngày gần đây, theo ông nguyên nhân là gì?

Thời gian qua xảy ra nhiều vụ tai nạn gây thiệt hại cực kỳ nghiêm trọng không những tài sản mà còn tính mạng người dân và lái tàu. Chúng tôi rất lấy làm tiếc về vấn đề này.

Các nguyên nhân do cơ quan có thẩm quyền xem xét, tuy nhiên theo dư luận người dân và các vấn đề chúng tôi được tiếp cận thì có một số nguyên nhân: Một là, hệ thống quy định đảm bảo vận hành đường sắt của chúng ta chưa hoàn thiện. Đây là vấn đề hàng đầu phải hoàn thiện ngay. Cái này có nguyên nhân là chúng ta duy trì quá lâu các quy định cũ từ thời bao cấp đến giờ. Nó chậm đổi mới.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Hai là hạ tầng cơ sở kỹ thuật đường sắt chúng ta quá thấp kém từ các đoàn tàu, máy tàu cho đến hệ thống đường sắt hiện nay vẫn vận hành từ thời kỳ mông muội. Có thể nói khi so sánh với hệ thống đường sắt trên thế giới thì đây là hệ thống lạc hậu bậc nhất. Trong khi nền kinh tế xã hội chúng ta đã phát triển mấy chục năm nay mà hệ thống hạ tầng còn rất thấp kém.

Ba là ý thức tuân thủ của cán bộ cũng như người dân trong quá trình vận hành, tham gia giao thông rất thấp. Ngay ở xung quanh thủ đô Hà Nội, nơi có tuyến đường sắt hết sức nham nhở, hệ thống kiến trúc lộn xộn, việc đi lại, tham gia giao thông của nhiều cá nhân liên quan các đường ngang đường sắt nhiều vi phạm pháp luật.

Chính từ 3 vấn đề này đã nảy sinh nhiều bất cập nói chung và làm nảy sinh rất nhiều vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng thương tâm trong thời gian qua.

Ông đánh giá sao khi chúng ta đã bước vào thời kỳ cách mạng 4.0 nhưng việc gác chắn hiện nay vẫn phụ thuộc vào một số nhân viên đường sắt?

Tôi nghĩ rằng đây là vấn đề chúng ta đã đề cập và bản thân người đứng đầu ngành đường sắt Việt Nam cũng từng nói. Ở thời gian quá độ này, nếu chúng ta muốn làm thì sự đồng bộ phải cao, ví dụ toàn bộ hệ thống con tàu, đường tàu. Nếu chỉ bố trí các phương tiện 4.0 cho đường ngang, ngõ tắt trong khi con tàu, đường sắt chúng ta lạc hậu và ý thức chúng ta cũng còn lạc hậu thì không đồng bộ.

Cho nên củng cố hệ thống đường sắt là phải củng cố từ thể chế cho đến hạ tầng kỹ thuật công nghệ và ý thức tuân thủ pháp luật, thậm chí cả vấn đề đạo đức xã hội.

Theo ông, trước mắt chúng ta phải làm là gì để hạn chế những vụ tai nạn đường sắt thương tâm?

Sau những việc thế này, trước hết phải rút kinh nghiệm ngay. Trong quá trình rút kinh nghiệm này, ngành đường sắt nói riêng, Bộ GTVT nói chung phải chủ trì, phối hợp với các bộ ngành để nghiên cứu đề án khả thi báo cáo Chính phủ về việc củng cố giao thông đường sắt. Phải làm thế nào đó nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, nâng cao quy định, ý thức công dân.

Vậy thì trách nhiệm của Bộ trưởng GTVT trong việc này như thế nào?

Khi nói về hoàn thiện thể chế, tôi phải khẳng định trước hết đây là trách nhiệm của trưởng ngành. Trách nhiệm của Bộ trưởng là phải đầu tiên vì Bộ trưởng là người tham mưu cho Nhà nước, cho Chính phủ hoàn thiện hệ thống giao thông đường sắt và phổ biến, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khác làm sao đảm bảo an toàn, hiệu quả để phòng tránh tai nạn bất trắc.

Ông đánh giá thế nào về phản ứng của Bộ trưởng GTVT trước 4 vụ tai nạn đường sắt liên tiếp? Theo ông bộ trưởng có cần lên tiếng xin lỗi người dân về việc này hay không?

Tôi nghĩ rằng có cần xin lỗi người dân hay không nên tùy thuộc nhiều vấn đề nhưng những việc như thế này, Bộ trưởng cần thiết phải lên tiếng, phải vào cuộc ngay lập tức. Đây chính là vấn đề có tính chất nhạy cảm về mặt chính trị xã hội. Ngoài việc động viên thăm hỏi thì phải xem xét, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền báo cáo.

Tôi biết Bộ trưởng đã có chỉ đạo rồi, tuy nhiên cần phải công bố những vấn đề này cho báo chí, cho người dân biết để cùng tham gia. Việc xây dựng hệ thống giao thông an toàn của đất nước chúng ta là nhiệm vụ chung chứ không phải vấn đề bí mật của ngành đường sắt hay là của Bộ GTVT.

Từ 24 đến 27/5, cả nước xảy ra 4 vụ tai nạn giao thông đường sắt làm 2 người chết, 11 người bị thương, hư hỏng nhiều đầu máy, toa xe, đường ray tàu.

Lúc 0h30 ngày 24/5, tàu SE19 từ Hà Nội vào Đà Nẵng, khi đến ga Trường Lâm (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) đã đâm vào xe tải. Vụ tai nạn làm 2 người chết, 10 người bị thương, đầu máy và 6 toa xe bị lật. Công an đã bắt 2 nhân viên gác chắn để điều tra hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến 16h20 ngày 26/5, tàu hàng ASY2 và tàu hàng 2469 tông nhau trực diện tại ga Núi Thành (Quảng Nam) khiến 4 toa xe hàng trật khỏi đường ray, hai đầu máy hư hỏng nặng. Tuyến đường sắt Bắc - Nam qua khu vực ga Núi Thành tê liệt suốt một ngày đêm.

Chiều cùng ngày, tàu hàng chạy hướng nam bắc kéo theo 27 toa xe trong lúc vào đường ray số 3 tại ga Yên Xuân (Nghệ An) để tránh tàu ngược chiều thì bất ngờ bị trật bánh tại hai toa 3 và 4. Hàng chục mét đường ray, hàng trăm tà vẹt bị hư hỏng, tuyến đường sắt qua khu vực này tắc 3 giờ.

13h ngày 27/5, tàu hàng SH3 khi tới xã Diễn An (Diễn Châu, Nghệ An) đâm trúng xe bồn trộn bê tông do tài xế Lê Văn Thể (31 tuổi, trú Nghệ An) cầm lái đang từ đường ngang dân sinh vượt qua đường sắt. Đầu máy tàu bị hư nhẹ, đầu xe bồn hỏng nặng. May mắn tài xế xe bồn chỉ bị thương nhẹ.

Theo Zing

Có thể bạn quan tâm