Giải thưởng WEPs cấp quốc gia năm nay được trao cho 10 doanh nghiệp trên toàn quốc và được tổ chức theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ dự án WeEmpowerAsia (Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ châu Á) triển khai tại 7 nước trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong đó có Việt Nam. Năm 2020, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và UN Women đã tổ chức thành công Giải thưởng WEPs lần đầu tiên ở Việt Nam. Giải thưởng WEPs 2021 tại Việt Nam được phát động vào tháng 5 năm 2021. Mặc dù làn sóng thứ tư của đại dịch Covid 19 diễn ra phức tạp tại Việt Nam, nhưng BTC vẫn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực khác nhau trong cả nước tham gia.
Giải thưởng nhằm công nhận nỗ lực của các công ty có các sáng kiến, chương trình hành động thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; thu hút ngày càng nhiều công ty vận dụng các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ trong doanh nghiệp của mình. Giải thưởng năm nay gồm 6 hạng mục: Lãnh đạo cam kết thúc đẩy bình đẳng giới; Bình đẳng giới tại nơi làm việc; Bình đẳng giới tại thị trường; Bình đẳng giới thông qua tham gia của cộng đồng và quan hệ đối tác; Báo cáo minh bạch về bình đẳng giới; Lãnh đạo trẻ cam kết thúc đẩy bình đẳng giới.
Phát biểu khai mạc Lễ trao Giải WEPs 2021, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam cho biết: Lễ trao giải thưởng WEPs năm nay - 2021 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt của đại dịch Covid-19, đánh dấu một quá trình nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp trong thời gian qua, vừa kiên cường chống chịu với đại dịch, vừa kiên trì với cam kết “Thúc đẩy bình đẳng giới”.
Cũng theo bà Minh: “Hiện nay, bình đẳng giới trong xã hội nói chung và trong doanh nghiệp nói riêng không chỉ đề cập đến sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới mà còn bao gồm cả người đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới đều cần được hưởng những điều kiện như nhau, có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của doanh nghiệp, xã hội, vì thế các doanh nghiệp nên quan tâm thúc đẩy đa dạng giới nơi làm việc, thị trường và cộng đồng”.
Bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam khẳng định: “Bình đẳng giới không thể có được nếu không có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Tôi kêu gọi các doanh nghiệp vận dụng nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, thị trường, chuỗi cung ứng, và cộng đồng để tăng cường việc làm cho lao động nữ và thúc đẩy sự hồi phục và phát triển của doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.”
Các công ty và cá nhân đoạt giải thưởng WEPs 2021 trong các hạng mục sau đây:
Hạng mục giải thưởng "Lãnh đạo Cam kết và Hành động thúc đẩy bình đẳng giới:
- Bà Lê Hồng Thủy Tiên - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập Khẩu Liên Thái Bình Dương
- Ông Mr. Johan Kenneth Sundberg - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Fine Scandinavia
Hạng mục Bình đẳng giới tại nơi làm việc
- Công ty TNHH Intel Products Việt Nam
- Công ty TNHH Olam Việt Nam
- Công ty Cổ phần Sản xuất Gia công và Xuất nhập khẩu Hanel
Hạng mục giải thưởng "Bình đẳng giới tại thị trường"
- Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam
- Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ)
Hạng mục giải thưởng "Bình đẳng giới thông qua tham gia của cộng đồng và quan hệ đối tác”
Công ty Cổ phần Tập đoàn BRG
Hạng mục ''Lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ và vừa Cam kết và Hành động thúc đẩy bình đẳng giới”
Ông Soren Roed Pedersen, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Julie Sandlau Vietnam Việt Nam
Hạng mục giải thưởng: ''Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bình đẳng giới tại nơi làm việc"
Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Hoa Lan