25,5% dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ

Dù được đánh giá đã cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của nền kinh tế, góp phần điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô…, song theo đoàn giám sát, hiệu quả hoạt động của DNNN chư
25,5% dự án đầu tư ra nước ngoài báo lỗ

Theo kết quả giám sát được gửi tới các ĐBQH, đến hết năm 2016 cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (gồm 7 tập đoàn kinh tế (TĐ); 67 tổng công ty nhà nước (TCT), 17 Công ty TNHH MTV hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - công ty con (Công ty mẹ - con) và 492 doanh nghiệp độc lập thuộc các Bộ ngành, địa phương).

Tuy tổng tài sản và vốn tăng (tài sản tăng 45,8%, vốn chủ sở hữu tăng 92,2%) nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp ngân sách nhà nước có tốc độ tăng chậm (tốc độ tăng nộp ngân sách nhà nước chỉ 18%, bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ 1.292.400 lên 1.628.649 tỷ đồng).

DNNN chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế. Có trường hợp DN chưa thực thi nghiêm túc các kế hoạch đặt ra; năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp.

"Cùng tới thời gian trên, khối DN này nắm giữ 3.053.547 tỷ đồng, doanh thu 1.515.821 tỷ đồng. Ở khối DN cổ phần, số vốn góp của Nhà nước là 495.126 tỷ đồng, tăng 3,8 lần so với năm 2011. Tổng vốn chủ sở hữu là 167.701 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3 lần so với năm 2011; tổng doanh thu đạt 423.250 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so với năm 2011.

Việc đầu tư ra nước ngoài, theo đánh giá của đoàn giám sát, được triển khai khá tích cực. Đến 31-12-2016 có 18 Tập đoàn, Tổng Công ty 100% vốn nhà nước có dự án đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,608 tỷ USD. Trong số này, PVN có quy mô đầu tư lớn nhất với số vốn đăng ký là 6.687 triệu USD (chiếm tỷ trọng 53%). Kế đến là Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel với 2.130 triệu USD (17%) và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với 1.412 triệu USD (11%).

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, theo đoàn giám sát, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Lũy kế tính đến 31-12-2016, các DN đã đầu tư ra nước ngoài trên 7 tỷ USD, trong đó có 25,5% dự án báo lỗ, 29% dự án lỗ lũy kế.

Lợi nhuận được chia cho bên Việt Nam năm 2016 là 145 triệu USD - tương đương trung bình 2% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài thực hiện. Đáng lo là nhiều dự án đang tiềm ẩn rủi ro về pháp lý tại nước sở tại (bị rút ngắn thời gian triển khai dự án, tranh chấp đất đai) và rủi ro thị trường (giá đầu ra giảm mạnh) ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dự án. Thậm chí, có dự án bị ngừng cấp bảo lãnh Chính phủ dẫn tới việc phải dừng dự án.

Đề cập đến một số dự án đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả, báo cáo có nhắc đến dự án đầu tư của TCT Hàng hải Việt Nam tại các công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực vận tải biển; đầu tư của TCT Công nghiệp Tàu thủy (SBIC) tại các công ty con, công ty liên kết; đầu tư của PVN tại Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex), TCT Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS), dự án thăm dò khai thác dầu khí mỏ Nagumanov tại tỉnh Orenburg (Liên Bang Nga), dự án khai thác dầu tại Venezuela, dự án Lô 67 Peru…

Chưa hết, đoàn giám sát còn nhận định, năng lực quản lý và khả năng tài chính còn hạn chế, thiếu kiểm soát chặt chẽ của các DN đã làm phân tán nguồn lực, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn (như TĐ Công nghiệp Cao su Việt Nam, TCT Lương thực miền Nam, TCT Lương thực miền Bắc, TCT Vật tư Nông nghiệp). Hiệu quả đầu tư vào công ty con, công ty liên kết chưa cao gây ảnh hưởng không tốt đến năng lực tài chính và hiệu quả sử dụng vốn tại DN.

Khi mà hiệu quả đầu tư sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế thì việc cơ cấu, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả lại diễn ra chậm. Điển hình như 12 dự án thua lỗ của ngành công thương vẫn chưa được xử lý trong khi nhiều tài sản không sử dụng, hao mòn theo thời gian. Kéo theo đó là sự phát sinh các chi phỉ như lãi vay, tiền bảo dưỡng duy trì tài sản…

Tương tự, việc thoái vốn nhà nước tại một số DNNN nắm giữ trên 50% vốn điều lệ theo quy định cũng chưa thực hiện được theo phương án được duyệt. Thủ tục phá sản doanh nghiệp còn bất cập, thiếu kiên quyết. Hiện SBIC đã nộp đơn phá sản 57 đơn vị (trong đó có 4 đơn vị đã có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án; 4 đơn vị đã triệu tập Hội nghị chủ nợ; 12 đơn vị bị tòa án trả lại đơn. Số còn lại mới chỉ dừng ở việc Tòa án tiếp nhận hồ sơ).

Có thể bạn quan tâm