300 triệu cổ phiếu Vietjet Air sắp lên sàn HOSE

Vietjet Air sẽ chính thức niêm yết 300 triệu cổ phiếu VJC trên HOSE trong thời gian tới. Thông tin về thời gian, giá tham chiếu VJC hiện chưa được công bố.
300 triệu cổ phiếu Vietjet Air sắp lên sàn HOSE

Vietjet Airlines được chấp thuận niêm yết trên HOSE 

Sở GDCK Tp.HCM đã chính thức chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu của CTCP Hàng không Vietjet với khối lượng 300 triệu cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phiếu Vietjet Air được lưu ký trên VSD từ ngày 25/1/2017 với mã chứng khoán VJC.

Đây là hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam niêm yết cổ phiếu trên sàn và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Trong 5 năm qua, Vietjet Air đã tăng vốn điều lệ từ mức 800 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng hiện tại. Tổng tài sản của hãng này đến cuối quý II/2016 đạt 16.541 tỷ đồng.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư vào tháng 12/2016, đại diện đơn vị tư vấn VCSC cho biết, Vietjet Air đã hoàn tất đợt bán đấu giá 44,8 triệu cổ phần lần đầu ra công chúng cho các nhà đầu tư tổ chức. Tiếp theo, Vietjet Air sẽ thực hiện đợt chào bán 3,5 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư cá nhân với mức giá 86.500 đồng/cổ phiếu. Nhờ đó, khối lượng cổ phiếu đang lưu hành hiện tại của Vietjet Air là 300 triệu cổ phiếu. Dự kiến sau niêm yết, Vietjet Air sẽ phát hành thêm 22,4 triệu cổ phiếu nữa để bổ sung nguồn vốn.

Một thông tin đáng chú ý, trong năm 2017, Vietjet Air sẽ chào bán 22,38 triệu cổ phiếu cho công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny. Giá bán dự kiến là 86.400 đồng/CP. Đây là công ty thuộc sở hữu của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, tổng giám Vietjet Air. Nêu phát hành thành công, hãng này sẽ tăng vốn điều lệ lên mức 3.223,8 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh của Vietjet Air, đại diện Vietjet Air cho biết, đang sở hữu đội bay của Vietjet Air đã tăng lên con số 38 chiếc máy bay, gồm 1 chiếc sở hữu và 37 chiếc đi thuê. Hiệu suất sử dụng máy bay Vietjet Air có tỷ suất lấp đầy 88%/chuyến bay. Năm 2015, Vietjet Air đạt gần 1 tỷ USD doanh thu và gần 60 triệu USD lợi nhuận sau thuế. Dự kiến năm 2016 lợi nhuận sau thuế đạt 100 triệu USD.

Chia sẻ với nhà đầu tư, CEO Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, Vietjet Air đặt mục tiêu tăng thị phần xoay quanh mức 50% và tăng tỷ trọng chuyến bay nội địa lên 80% và quốc tế 20% (hiện tỷ trọng lần lượt ở mức 65% nội địa và 35% quốc tế). Để tăng cường phát triển chuyến bay quốc tế, hiện Vietjet Air đang tập trung khai thác chuyến đi Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc và sắp tới là Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, Hồng Kông…

Hiện, Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất và là hãng hàng không lớn thứ 2 tại Việt Nam.

Vietjet thành lập 9 năm trước với 3 cổ đông lớn gồm T&C group, Sovico Holdings và HD Bank.

Với sự tăng trưởng nhanh chóng trong 5 năm gần đây, nhà đầu tư cũng đặt nghi ngại về những rủi ro hoạt động đặc thù của Vietjet Air. Theo bà Thảo, các nhóm rủi ro như chính sách, thị trường, tài chính, vận hành... đã được tính đến và đưa ra phương án cho từng kịch bản.

Dẫn chứng về tình hình vay nợ, lãnh đạo Vietjet Air cho hay, hãng đang nợ hơn 5.000 tỷ đồng, hệ số nợ/vốn là 1 lần, có thể giảm xuống 0,7 lần sau khi tăng vốn điều lệ, cho thấy mức độ an toàn vốn.


 Hải Hà

>> Đại gia bí ẩn đứng sau Vietjet Air và những dự án bất động sản “tỷ đô” 

Có thể bạn quan tâm