Theo đó, sau 30 ngày phát hành hồ sơ mời sơ tuyển nhà đầu tư, các Ban quản lý dự án của Bộ giao thông Vận tải đã bán được 93 bộ hồ sơ cho các nhà đầu tư trong nước quan tâm. Trong số này, có 32 bộ hồ sơ của nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư trong nước gửi về tham gia dự tuyển.
Trong 8 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Đông thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP), dự án có số lượng hồ sơ nộp nhiều nhất là 9 bộ hồ sơ, còn dự án ít nhất là 2 bộ hồ sơ.
Danh tính các nhà đầu tư, liên danh nhà đầu tư hiện chưa được tiết lộ theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Sau khi mở thầu bước sơ tuyển nhà đầu tư, các Ban quản lý dự án sẽ tiến hành chấm sơ tuyển để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư theo các tiêu chí quy định trong hồ sơ mời thầu.
Dự kiến, công tác sơ tuyển nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 2/2020. Sau đó, các Ban quản lý dự án sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án.
Việc chấm thầu sơ tuyển thực hiện theo thang điểm 100. Trong đó, năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm 60 điểm; năng lực về kinh nghiệm chiếm 30 điểm; phương pháp triển khai dự án chiếm 10 điểm. Mỗi dự án sẽ lựa chọn tối đa 5 nhà đầu tư được tính theo thang điểm từ cao xuống thấp.
Trước đó, Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án PPP thuộc dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Tại buổi họp báo quý III/2019 do Bộ GTVT tổ chức vào cuối tháng 9 vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định trong trường hợp không tìm kiếm được nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ báo cáo Chính Phủ để trình Quốc hội quyết định chuyển sang đầu tư công. Tuyệt đối Bộ GTVT sẽ không thực hiện chỉ định nhà đầu tư đối với dự án này.