Người tiêu dùng có xu hướng tìm về các sản phẩm tự nhiên
Đây cũng là hướng đi tất yếu để đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, giúp cho doanh nghiệp tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Xuất phát từ nhu cầu người tiêu dùng
Từ thực tế, khoa học công nghệ hiện nay vẫn chưa thâm nhập sâu vào trong “đời sống” của các nông dân và một số doanh nghiệp SMEs Việt Nam ngành nông sản, thực phẩm, ông Andrew Wilson, Quản lý cấp vùng, Dự án thương mại sinh học BioTrade khuyên các DN cần phải ứng dụng công nghệ để tạo ra nhiều giá trị hơn, đặc biệt phải chú trọng vào người tiêu dùng, xem thử họ cần và muốn những gì, và đây cũng là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần làm.
Có 4 xu hướng mà người tiêu dùng hiện nay đang chú trọng đó là: Tự nhiên, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và bao bì thông minh. Trong đó, việc quản lý các sản phẩm tự nhiên là một thách thức vô cùng lớn so với các loại hình sản phẩm khác là cần phải có công nghệ quản lý và một trong số những quốc gia có kỹ thuật công nghệ tiên tiến nhất thế giới là Hà Lan.
TS.Nguyễn Ngọc Nhã Nam, Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Minerva, cho hay hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà ở một số nước khác trên thế giới có điểm chung là các nguyên liệu thường không đồng đều. Đây là một thách thức lớn đối với các nhà máy chế biến thực phẩm. Các loại cam, cà rôt, cà chua, khoai tây... phải khác nhau tùy theo yêu cầu khách hàng, một nhà máy có thể cần phải sắp xếp hàng triệu loại rau đặc biệt dựa trên kích thước, hình dạng hoặc màu sắc...
Để tìm ra chính xác những gì khách hàng muốn là một điều không hề dễ chút nào, và dĩ nhiên các công ty lớn hiện nay đã và đang chuyển sang công nghệ AI nhằm giúp giảm nhẹ tối đa thử thách đó.
Các công ty lớn như GE, Siemens, Intel, Microsoft... đều đang đầu tư đáng kể vào các phương pháp tiếp cận học máy để cải thiện tất cả các khía cạnh của sản xuất nhằm làm giảm đi các chi phí lao động, khiếm khuyết sản phẩm, rút ngắn thời gian ngừng hoạt động không mong muốn, cải thiện thời gian chuyển tiếp hay tăng tốc độ sản xuất...
TOMRA, một công ty hàng đầu trong công nghệ phân loại thực phẩm, cho biết trước đây 90% của tất cả các loại thực phẩm được thực hiện bằng lao động thủ công, bây giờ một số lượng đáng kể phân loại đó đã được tự động hóa. Việc tự động hóa tạo ra đã giảm đáng kể chi phí lao động, tốc độ xử lý, và cải thiện hiệu suất.
Hoặc, như Coca-cola, thông qua nhiều nhà hàng và các địa điểm khác, đơn vị này đã lắp đặt các nhà máy giải khát tư phục vụ, cho phép cá nhân tùy chỉnh đồ uống của mình. Các khách hàng có thể sử dụng những cái máy tự phục vụ để tạo ra hàng trăm loại thức uống khác nhau bằng cách thêm hương vị khác nhau vào thức uống cơ sở của họ.
Công nghệ truy xuất nguồn gốc ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong nông sản, thực phẩm
Hay một Cty con của Remark Holding là Kankan, vào tháng trước đã công bố hợp đồng bảy con số với một trong những DN nhà nước lớn nhất ở Trung Quốc nhằm cung cấp cho cơ quan y tế thành phố Thượng Hải về sản phẩm công nghệ tiên tiến là nhận diện khuôn mặt và đối tượng, giúp kiểm tra chéo lẫn nhau giữa các sản phẩm, khách hàng, nhân viên... Công nghệ AI của họ hiện đang sử dụng tại 200 nhà hàng và sẽ sớm mở rộng ra đến 2.000 cơ sở trong lương lai.
Phải đi đôi với tiêu chuẩn quốc tế
Song song đó, đi cùng các ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh thì các tiêu chuẩn quốc tế đối với thương mại nông sản, thực phẩm trong thời đại phát triển công nghệ số hiện nay, có tầm quan trọng rất lớn trong việc định hướng “lối đi” cho các dòng sản phẩm này.
Ông Gerald H. Smith, Tùy viên Nông nghiệp cấp cao, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM đưa ra lời đề nghị, mỗi nước đều phải chủ động dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế hoặc tự đánh giá rủi ro để quy định các biện pháp của mình và đảm bảo các biện pháp đưa ra là cần thiết để đạt được mức độ bảo vệ phù hợp, ngoài ra không có sự phân biệt đối xử bất hợp lý đối với nguồn cung ứng nước ngoài hay thúc đẩy việc đánh giá và phát triển các tiêu chuẩn quốc tế, ví dụ như tham gia các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế...
Từ những nghĩa vụ trên sẽ tạo ra giá trị của các tiêu chuẩn quốc tế như tạo thuận lợi hóa thương mại, các quyết định minh bạch hơn và có cơ sở khoa học, hữu ích trong việc phát triển các yêu cầu của quốc gia hay được giảm chi phí đảm bảo hệ thống ATTP khi quốc gia đó tuân thủ các nghĩa vụ trong WTO... các giá trị này sẽ làm hài hòa các tiêu chuẩn.
Các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn quốc tế (ISSB) hiện nay như CODEX, OIE, IPPC hay Cục đặc trách nông nghiệp ngoại quốc (FAS) thuộc Bộ nông nghiệp Hoa Kỳ... có vai trò quan trọng trong việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đảm bảo các thỏa thuận không gây hạn chế thương mại cũng như nâng cao nhận thức về cơ sở khoa học cho các tiêu chuẩn của mỗi bên... nếu không có thì các hoạt động thương mại sẽ khó có thể diễn ra suôn sẻ, ông Smith nhận định.