40 dự án năng lượng tái tạo đồng ý áp giá tạm bằng 50% khung giá trần

Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành đàm phán ký biên bản và ký tắt hợp đồng mua bán điện của 40 dự án năng lượng tái tạo...
dự án năng lượng tái tạo

Tính đến thời điểm hiện tại, trong 85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp chưa có giá, đã có 53 dự án nộp hồ sơ, 13 dự án đợi đàm phán giá chính thức theo khung giá trần và 32 dự án chưa nộp hồ sơ. 

Đáng chú ý, trong 53 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã nộp hồ sơ đàm phán với Tập đoàn điện lực Việt Nam có tới 40 dự án đồng ý áp giá tạm bằng 50% khung giá trần.

40 dự án năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời được chốt giá tạm thời này bao gồm, 19 dự án hoặc một phần dự án đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm và ký hợp đồng mua bán điện (PPA).

Cùng với đó là 16 dự án đã nối lưới, đã và đang thử nghiệm và 5 dự án được hoà lưới điện quốc gia với tổng công suất 303 MW đã hoàn thành thử nghiệm, phát điện thương mại.

Được biết, theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương, khung giá trần của điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185 đến 1.508 đồng/kWh, điện gió là 1.587 đến 1.816 đồng/kWh.

Như vậy, 40 dự án đồng ý áp giá tạm thời bằng 50% khung giá trần thì mức giá tạm của điện mặt trời chuyển tiếp sẽ là 592,5 đến 754 đồng/kWh, điện gió là 793,5 đến 908 đồng/kWh. 

Đã gần 5 tháng kể từ thời điểm có khung giá trần cho dự án chuyển tiếp nhưng việc đàm phán giá vẫn chậm. Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng cục Điều tiết điện lực cho biết: "Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương nộp hồ sơ, hoàn thành các thủ tục pháp lý để đàm phán với EVN".

Đến thời điểm hiện tại vẫn còn 32/85 dự án, với tổng công suất 1.576,05MW chưa gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Một số chủ đầu tư đã được yêu cầu bổ sung hồ sơ từ cuối tháng 3/2023, nhưng sau 2 tháng vẫn chưa được bổ sung.

Lý giải cho điều này, ông Hòa cho hay, việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý còn chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn tới việc chậm trễ trong khâu chuẩn bị và nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền.

Có thể nhiều dự án đã hoàn thành thủ tục pháp lý nhưng chưa lắp đặt đầy đủ thiết bị để sẵn sàng đấu nối lên lưới điện quốc gia. Do vậy, chủ đầu tư nào còn thiếu điều kiện gì cần sớm hoàn thiện để đấu nối vào lưới điện quốc gia, khai thác thương mại.

Cũng theo Cục trưởng cục Điều tiết điện lực, hiện tổng công suất của hơn 53 dự án đã nộp hồ sơ, tổng công suất điện khoảng hơn 3.000 MW. Nhưng điều đáng nói là công suất khả dụng không đạt như công suất thiết kế, bởi thời gian này điện gió khai thác rất kém, còn năng lượng mặt trời khai thác khá hơn. 

Ngoài ra, ông Hòa cũng nêu ra việc quan trọng nhất trong thời điểm này là phải tiết kiệm năng lượng để hạn chế nguy cơ thiếu điện xảy ra. Đồng thời, giảm vốn đầu tư, áp lực đầu tư trong lĩnh vực năng lượng. 

Trước đó, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi EVN yêu cầu tập đoàn này khẩn trương đàm phán với các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với mức giá tạm thời và cho vận hành phát điện lên lưới khi đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng, hồ sơ pháp lý theo quy đinh.

Bộ cũng chỉ đạo Cục Điện lực và năng lượng tái tạo hướng dẫn các chủ đầu tư vướng mắc về quy hoạch trong quá trình điều chỉnh chủ đầu tư. Hơn nữa, khẩn trương thực hiện công tác cấp giấy phép hoạt động điện lực đối với các dự án đã hoàn thành đầu tư nhằm đưa các dự án sớm đi vào vận hành, đảm bảo cung cấp điện và khai thác tài nguyên, tránh lãng phí đầu tư.

Xem thêm

Sau khi bị phạt nặng, chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Cầu Đất được gia hạn thời gian sử dụng đất

Sau khi bị phạt nặng, chủ đầu tư Nhà máy Điện gió Cầu Đất được gia hạn thời gian sử dụng đất

Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng tại Dự án Nhà máy điện gió Cầu Đất thêm 18 tháng. Trước đó, chủ đầu tư này bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt và buộc nộp lại số tiền thu lợi, tổng cộng gần 1,4 tỷ đồng do nhiều sai phạm về đất đai.

Có thể bạn quan tâm