5 lý do Startup nên tránh xa các cuộc thi, giải thưởng

2 năm qua, mọi người quan tâm nói về startup rất nhiều, từ báo đài, tivi đến facebook, các cuộc thi truyền hình, các giải thưởng khởi nghiệp, demo day…

Đôi khi, thành công tại những cuộc thi cũng làm các startup mất phương hướng

Tuy nhiên, trong 1 cuộc trò chuyện, một nhà đầu tư đã chia sẻ: Các startup ông quyết định rót vốn đầu tư không thường là người thắng giải các cuộc thi, hay do bằng cấp của các Founder. Thậm chí những startup thường xuyên tham gia các cuộc thi, tham gia quá nhiều event cũng không phải là đối tượng mục tiêu của ông. Đâu là những lý do cho quyết định này?

1. Tập trung, tập trung, tập trung

Các startup thay gia các cuộc thi vì nhiều lý do, có thể là vì giải thưởng, các gói truyền thông từ ban tổ chức, và nhiều kết nối gặp gỡ người này người nọ... Tuy nhiên có 1 điều mà các bạn này thường ít nhận ra, là việc sao nhãng mất tập trung và thời gian cho những việc không cần thiết thay vì thời gian phát triển sản phẩm, chăm sóc phát triển khách hàng trả tiền thực sự.
Để giành giải thưởng các cuộc thi, thường các startup phải trải qua nhiều vòng khác nhau, mỗi vòng là 1 thử thách khác nhau, các startup tham gia vào vòng càng sâu thì số lượng thời gian và nhân lực bỏ ra càng gia tăng. Một số startup tham gia vì giải thưởng chương trình, các gói hỗ trợ nhưng thật ra đó chỉ là những phần thưởng mang tính khích lệ không quan trọng bằng doanh thu startup tạo ra được hàng tháng. 10 đồng doanh thu liên tục mỗi tháng còn giá trị hơn 100 đồng tiền thuởng vì giải thưởng chỉ mang tính nhất thời, doanh thu thể hiện năng lực tạo tiền của công ty bạn. Vậy nên tập trung 100% thậm chí 200% để tạo ra doanh thu hay tăng trưởng cho startup của mình vì đó là giá trị thật, khách hàng thật, tăng trưởng thật, tiền thưởng chỉ là nhất thời mà thôi.

2. Truyền thông, quảng cáo không hiệu quả mong muốn

Nhiều bạn mang startup mình đi thi để gây chú ý cho mọi người, để mọi người biết đến nhiều hơn, để nghe góp ý của mọi người... Thật ra đó không phải là ý tưởng hay, vì sản phẩm của bạn không dành cho tất cả mọi người, thực tế là bạn chỉ nên tập trung vào đối tượng khách hàng mục tiêu của mình, khách hàng nào sẵn sàng trả tiền cho mình để sử dụng dịch vụ. Bên cạnh, việc giới thiệu quảng cáo khi sản phẩm của bạn chưa đủ hoàn thiện sẽ khiến bạn gặp rắc rối với khách hàng mới, nhiều góp ý không đúng với nhu cầu của khách hàng mục tiêu ban đầu của bạn. Nên nhớ bạn xây dựng sản phẩm để phục vụ khách hàng, không phải làm hài lòng ban giám khảo.

3. Dễ lộ thông tin liên quan khách hàng, đối tác, chiến lược phát triển

Với công ty mới khởi nghiệp chỉ có ý tưởng chưa có nhiều thông tin để chia sẻ, tuy nhiên với các startup đã phát triển 1 thời gian thì việc để lộ các thông tin về đối tượng khách hàng hay chiến lược phát triển đến đối tượng không mong đợi sẽ gây bất lợi cho bạn về sau. Hãy cẩn trọng đưa các thông tin số liệu ra public, trả lời các câu hỏi của ban giám khảo 1 cách có cân nhắc. Tôi từng biết 1 startup sau khi thắng giải tại một cuộc thi nọ, phải đau đầu khi “bị câu” mất key management vào 1 công ty lớn khác vì lỡ chia sẻ thông tin chi tiết quá mức.

4. Học từ những người không phải trong lĩnh vực của mình

Mỗi lĩnh vực kinh doanh đều có những mô hình kinh doanh khác nhau, mỗi thị trường cũng có nhóm đối tượng mục tiêu khác nhau, không phải áp dụng rập khuôn các mô hình hay nhóm đối tượng khác nhau cho cùng 1 cách. Tôi từng nghe một nhà đầu tư mạnh mẽ tuyên bố “Tôi khởi nghiệp 17 năm chưa tháng nào lỗ, chưa công ty nào lỗ”, tôi chẳng thấy nhận định này có ý nghĩa hay giá trị với mình về điều này, nhận định này và lĩnh vực của anh ấy chỉ giúp tôi những ra anh ấy không phải là người phù hợp hỗ trợ business của mình. Đơn thuần là lĩnh vực kinh doanh mỗi người khác nhau, chỉ có người trong cuộc mới hiểu được người trong kẹt. Bạn chỉ nên học những người thật sự trải nghiệm có giá trị có khả năng đóng góp cho startup của bạn, loại bỏ những điều không cần thiết, biết nói không cũng là 1 năng lực cần học.

Nếu không tập trung, bạn sẽ là 1 trong số 2.900 kẻ thất bại

5. Lợi ích các cuộc thi, giải thưởng không nhiều như bạn tưởng

Với các startup không đạt được giải thì hầu như là mất thời gian và công sức. Với các startup thắng giải thì tự huyễn điều đó là thành công vì vượt qua nhiều đối thủ khác. Có startup tôi biết thì tham gia hết giải thưởng này đến giải thưởng khác, qua bao nhiêu năm tháng nhưng khách hàng sử dụng sản phẩm chưa đến 100 người trả tiền thì làm sao phát triển tiếp được.

Thực tế điểm lại các startup dù đạt giải từ các cuộc thi hầu như không đến 20% là sống sót qua 2 năm đầu tiên, tỉ lệ còn thấp hơn nữa qua năm sau. Vậy nên nhìn nhận lại giá trị thực sự các cuộc thi/giải thưởng mà bạn được đề cập, điều đó mang lại gì thực sự cho business của bạn, nếu có thể mang lại doanh thu trực tiếp, thu hút đúng những đối tượng, khách hàng, đối tác, nhà đầu tư, lĩnh vực mà bạn hướng đến (không phải số đông mọi người) thì điều đó có ý nghĩa và giá trị nhất.

Tóm lại, tôi không nói các sự kiện cuộc thi, giải thưởng là không cần thiết, nó vẫn có những giá trị nhất định, mang những cơ hội hợp tác, phát triển cho startup. Chỉ là startup nên chọn lọc sự kiện chương trình, sự kiện liên quan đến ngành phù hợp với sản phẩm của mình để tham dự, học hỏi.

Bài này được viết khi chúng tôi vừa có những trải nghiệm thú vị tại sự kiện Edtech quan trọng nơi hội tụ rất nhiều những ông lớn trong ngành Edtech từ Trung Quốc, Ấn Độ, Âu, Mỹ đủ cả. Khá bất ngờ khi chúng tôi trở thành team thắng giải, xung quanh 2 startup được định giá chục triệu đô khác. Mong là mỗi năm có cơ hội tham gia nhiều sự kiện chuyên ngành chất lượng và giá trị hơn nữa.

Nguyễn Tấn Hiếu
Đồng sáng lập - Giám đốc kinh doanh của Kyna Group
 

Có thể bạn quan tâm