Từ điện thoại thông minh, máy tính, đồng hồ thông minh, xe điện, ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy giặt, cho đến vệ tinh, tên lửa, UAV,..., chúng ta đang sống và hòa mình trong thế giới được hỗ trợ bởi các hệ thống điện tử - viễn thông.
Theo nhiều chuyên gia phân tích về nhu cầu nhân lực, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngành học này đang nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhất là những bạn trẻ đam mê kỹ thuật và yêu thích lĩnh vực điện tử - viễn thông.
Hiện nay, Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông là một trong những ngành có rất nhiều tiềm năng về cơ hội việc làm. Nhiều người tìm hiểu và theo học bởi nó ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển của xã hội và được đánh giá cao ở nước ta.
CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT ĐIỆN TỬ - VIỄN THÔNG ĐEM ĐẾN DOANH THU KHOẢNG 3.000 TỶ USD MỖI NĂM TRÊN TOÀN CẦU
Tiến sĩ Phạm Duy Phong, Trưởng Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực cho biết: Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỷ nguyên số phát triển, lĩnh vực Điện tử - Viễn thông đang có những sự thay đổi mạnh mẽ hiện nay.
Xu hướng công nghệ kết nối vạn vật (IoT), robot tự động hóa, phân tích dữ liệu, điện toán đám mây đi kèm với trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra cho con người những “cánh cửa” cơ hội phát triển lớn. Muốn phát triển đột phá công nghệ này phải dựa trên nền tảng của ngành Công nghiệp kỹ thuật Điện tử - Viễn thông.
Do vậy, ngành này đã trở thành “cầu nối” trung gian và đóng vai trò trung tâm của nhiều ngành mũi nhọn như: cơ điện tử, tự động hóa, công nghệ thông tin, kỹ thuật máy tính,... Trong thời gian gần đây, chủ đề “công nghiệp 4.0” đã được đưa ra thảo luận ở nhiều nơi, bởi đây là cuộc cách mạng về sản xuất thông minh dựa trên các thành tựu đột phá trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Những thành tựu của con người trên thế giới trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa có thể kể đến như: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), khoa học dữ liệu (data science), Internet vạn vật (IoT),... Song, những yếu tố trên đều dựa vào hai nền tảng then chốt là Điện tử - Viễn thông và Công nghệ thông tin.
Có thể nói, đây là hai ngành kỹ thuật mũi nhọn cho phép tạo ra cơ sở hạ tầng kết nối, trao đổi, thu thập, lưu trữ và xử lý nguồn thông tin khổng lồ của thế giới số và tạo ra các giá trị mới trong chuỗi sản xuất, phân phối sản phẩm. Nếu như công nghệ thông tin tập trung vào phần mềm và ứng dụng, thì Điện tử - Viễn thông có xu hướng tập trung vào cơ sở hạ tầng truyền thông cũng như các thiết bị phần cứng. Hai ngành này hiện nay có xu hướng hội tụ và không còn ranh giới rõ rệt.
Tiến sĩ Phạm Duy Phong cũng nhấn mạnh, theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chip bán dẫn là đầu vào của ngành Công nghiệp kỹ thuật Điện tử - Viễn thông. Ai làm chủ thị trường thiết bị Điện tử - Viễn thông thì mới thực sự làm chủ công nghiệp bán dẫn. Không có bất kỳ quốc gia nào "hóa rồng", "hóa hổ" mà không có ngành Công nghiệp kỹ thuật Điện tử - Viễn thông phát triển.
Tất cả các quốc gia phát triển trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,... thành công về ngành công nghiệp bán dẫn đều có ngành Công nghiệp Điện tử - Viễn thông phát triển.
Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia rất có lợi thế về phát triển Công nghiệp Điện tử - Viễn thông. Thứ nhất, nước ta có vị trí địa chính trị, là trung tâm toàn cầu liên quan đến lĩnh vực Điện tử - Viễn thông và bán dẫn. Thứ hai, người dân Việt Nam có “gen” tiềm năng về khoa học công nghệ và STEM. Thứ ba, thế giới đang cơ cấu lại ngành Công nghiệp Điện tử - Viễn thông, bán dẫn theo hướng (X+1).
Ngoài ra, đối với tài nguyên phục vụ phát triển ngành Công nghiệp Điện tử - Viễn thông, Việt Nam là quốc gia thứ hai trên thế giới về trữ lượng đất hiếm phục vụ cho ngành Công nghiệp Điện tử - Viễn thông và bán dẫn. Nước ta cũng là một trong số ít quốc gia có nhiều năm phát triển trong lĩnh vực ngành này.
Đáng chú ý, Tiến sĩ Phạm Duy Phong cho hay, Công nghiệp Điện tử - Viễn thông được đánh giá là công nghệ nền tảng và giữ vai trò trọng yếu của Việt Nam trong giai đoạn tới. Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông, mỗi năm trên toàn cầu, lĩnh vực thiết kế chip đem lại doanh thu khoảng 60 tỷ USD, ngành Công nghiệp bán dẫn đem lại khoảng 600 tỷ USD, còn ngành Công nghiệp kỹ thuật Điện tử - Viễn thông có doanh thu khoảng 3.000 tỷ USD, ngành Công nghiệp ICT mang về khoảng 20.000 tỷ USD. Đây là cơ hội rất lớn để ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông ở các cơ sở đào tạo phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
VIỆT NAM ĐANG THIẾU HỤT LƯỢNG LỚN NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO CỦA NGÀNH
Bàn luận về vấn đề này, Trưởng Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực chia sẻ: Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông của thế giới, là một trong những quốc gia đứng đầu về sản xuất điện thoại và linh kiện, thiết bị điện tử.
Lĩnh vực này thu hút hàng trăm tỷ USD vốn đầu tư FDI từ các tập đoàn lớn trên thế giới và các doanh nghiệp trong nước, với doanh thu gần 150 tỷ USD mỗi năm, tạo việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động và sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước cũng có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều điểm sáng trong bức tranh của ngành Điện tử - Viễn thông như Viettel, FPT, VNPT, VinGroup,...
Trong bối cảnh xu hướng hội tụ công nghệ và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng, các tổ chức thuộc lĩnh vực Điện tử - Viễn thông trên thế giới đã đầu tư vào Việt Nam, kéo theo nhiều doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ tham gia. Do đó, nhu cầu nguồn nhân lực là rất lớn và các doanh nghiệp rất quan tâm tới vấn đề số lượng cũng như chất lượng của nguồn nhân lực ngành Điện tử - Viễn thông của Việt Nam.
Trước xu hướng phát triển hiện nay, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này ngày càng đa dạng, yêu cầu ngày càng cao, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu hụt lượng lớn nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.
Theo thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM, nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc trong ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông mỗi năm khoảng 20 nghìn kỹ sư và có xu hướng tăng mạnh trong tương lai.
Kỹ sư ngành Điện tử - Viễn thông sẽ làm trong các vị trí công việc như: thiết kế, sản xuất thiết bị điện tử, vi mạch bán dẫn; phát triển phần mềm; thiết kế lập trình các máy tính nhúng; thiết kế vận hành, tối ưu mạng máy tính và mạng truyền thông; phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo/học máy; phát triển vận hành thiết bị điện tử y tế;...
Một số công ty, tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng kỹ sư Điện tử - Viễn thông bao gồm: công ty điện tử (Samsung, Intel, Infineon, Bosch, Qorvo, CoAsia, Renesas, Marvel, Qualcomm, Mediatek, TSMC,...); công ty phần mềm nhúng (FPT Software, Viettel High Tech, VNPT Technology, Samsung, Toshiba, Panasonic, Nissan, LG Electronics,...); công ty phần mềm (FPT Software, Zalo, VNG,...); các doanh nghiệp cần phân tích dữ liệu (như ngân hàng, bảo hiểm, bệnh viện,...); công ty viễn thông (Viettel, VNPT, MobiFone, Vinaphone, FPT Telecom,...).
Chị Vũ Thị Khánh Nga, Trưởng phòng Tuyển dụng khu vực miền Bắc, Công ty Cổ phần Viễn thông FPT - FPT Telecom, Phó Chủ tịch Mạng lưới chuyên gia ngành Điện tử - Viễn thông chia sẻ:
"Điện tử - Viễn thông là lĩnh vực trụ cột của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và dự báo có sự phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian tới. Điều này dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực đáp ứng cho thị trường lớn và thu nhập ngày càng tăng cao.
Là một trong những doanh nghiệp viễn thông hàng đầu tại Việt Nam, hiện nay, FPT Telecom có khoảng 17.000 nhân sự, trong đó có trên 200 nhân sự là cựu sinh viên Trường Đại học Điện lực và chủ yếu đến từ Khoa Điện tử - Viễn thông.
Với số lượng và chất lượng nhân sự tăng mạnh trong những năm gần đây, tôi đánh giá cao chất lượng đào tạo và trình độ của sinh viên ngành Điện tử - Viễn thông tốt nghiệp từ Trường Đại học Điện lực. FPT Telecom đã có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhà trường từ nhiều năm nay".
Mức thu nhập của kỹ sư ngành Điện tử - Viễn thông có sự thay đổi tùy vào trình độ chuyên môn, năng lực, quy mô doanh nghiệp hoặc tính chất của công việc. Nhìn chung, theo thống kê và khảo sát, có thể thấy mức thu nhập của ngành này rất hấp dẫn.
Theo công bố thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Viettel năm 2023, mức thu nhập bình quân của người lao động toàn tập đoàn là 30,63 triệu đồng/tháng; mức thu nhập bình quân của người lao động ở công ty “mẹ” là 45,52 triệu đồng/tháng.
Mức lương kỹ sư Điện tử - Viễn thông được đánh giá là rất hấp dẫn trong thị trường lao động hiện nay. Mức lương có thể lên đến 100 triệu đồng/tháng (tương đương với 4.000 USD) đối với những người có trình độ cao và đảm nhận những công việc phức tạp.
Kỹ sư trình độ cao và thành thạo ngoại ngữ có thể lựa chọn ra làm việc tại nước ngoài để nhận mức lương cao hơn. Tại Đông Nam Á, Philippines là một trong những nước có mức lương trung bình tương đối "khủng" dành cho các kỹ sư ngành này, khoảng 305.000 peso/tháng (tương đương trên 140 triệu đồng).
Tại Mỹ, một trong những nước có ngành Điện tử - Viễn thông phát triển nhất trên thế giới, mức lương cho một kỹ sư trong ngành này khoảng hơn 100.000 USD/năm (tương đương với khoảng 2,5 tỷ đồng).
SINH VIÊN TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐIỆN LỰC CÓ NHIỀU ĐIỀU KIỆN ĐỂ RÈN LUYỆN KỸ NĂNG MỀM
Tiến sĩ Phạm Duy Phong cho biết, Khoa Điện tử - Viễn thông của Trường Đại học Điện lực được thành lập gần 20 năm, với nhiệm vụ chính là đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông. Với sự sáng tạo và đổi mới không ngừng, Khoa đã trở thành địa chỉ đào tạo đại học, sau đại học có uy tín.
Trong những năm qua, nhà trường có những bước phát triển vượt bậc, khi đến nay Khoa có trên 70% giảng viên là phó giáo sư, tiến sĩ có thể đảm đương tốt nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Hằng năm, cơ sở đào tạo đã cung cấp cho xã hội hàng trăm kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ có trình độ cao, có kỹ năng làm việc khoa học, có khả năng thích ứng tốt với yêu cầu của thị trường lao động, được các cơ quan, doanh nghiệp và người sử dụng lao động đánh giá cao.
Hơn nữa, chương trình đào tạo bậc đại học của ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cấp giấy Chứng nhận kiểm định Chất lượng giáo dục vào năm 2022.
Nội dung kiến thức ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông được thiết kế giúp sinh viên xây dựng và phát triển cơ sở nền tảng, kỹ năng và kinh nghiệm thực tiễn cần thiết trong ngành. Từ đó, sinh viên có thể cải thiện và tối ưu hoá các giải pháp khoa học kỹ thuật cho việc thiết kế và đảm bảo chất lượng các hệ thống điện tử - viễn thông, hệ thống nhúng, Internet vạn vật, hệ thống truyền thông tin, hệ thống mạng và hệ thống thiết bị điện tử y tế.
Ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông của Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực gồm hai lĩnh vực chính: điện tử với việc thiết kế các mạch điện tử, vi mạch, linh kiện điện tử và áp dụng chúng để phát triển các hệ thống điện tử sử dụng trong mọi mặt của đời sống, từ các hệ thống điện tử trong công nghiệp, hàng không, y tế cũng như hệ thống dân dụng.
Viễn thông chuyên phát triển các hệ thống thông tin, truyền thông bao gồm các hệ thống thu và phát để truyền thông tin qua một khoảng cách lớn, trong các môi trường truyền dẫn khác nhau. Các hệ thống truyền thông điển hình là điện thoại, mạng Internet, hệ thống thông tin vệ tinh, các mạng cảm biến, hệ thống kết nối các thực thể vật lý trong internet vạn vật,,…
Hiện nay, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực đang đào tạo bậc đại học ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông với các chuyên ngành: Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật điện tử, Điện tử và Kỹ thuật máy tính, Thiết bị điện tử y tế.
Bên cạnh việc đào tạo, nhà trường cũng trang bị kiến thức nền tảng vững chắc, tạo điều kiện cho sinh viên rèn luyện các kỹ năng mềm qua mạng lưới chuyên gia, mạng lưới doanh nghiệp luôn đồng hành với nhà trường để bổ sung thêm các kỹ năng, kiến thức thực tế cho sinh viên.
Trong thời quan qua, Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Điện lực đã hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như: Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, Samsung, Siemens, LG, Lumi Việt Nam, Pavana, Cyberlotus, COMIT,...
Công tác nghiên cứu khoa học cũng được Khoa luôn quan tâm, chú trọng. Thời gian qua, các cán bộ, giảng viên đã hoàn thành nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Sản phẩm của nhiều đề tài đang được ứng dụng trong thực tiễn, tiêu biểu như hệ thống giám sát trạm biến áp, hệ thống đánh giá độ tin cậy cung cấp điện của lưới điện phân phối đang được ứng dụng trong thực tiễn tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN.
Khoa đang thực hiện nhiều đề tài các cấp, đã công bố kết quả nghiên cứu trên các tạp chí, hội thảo khoa học có uy tín trong và ngoài nước. Giảng viên và sinh viên của Khoa đã tham gia trao đổi khoa học tại Nhật Bản và không ngừng triển khai, đẩy mạnh công tác sinh viên nghiên cứu khoa học.
Ngoài ra, giảng viên và sinh viên Khoa Điện tử - Viễn thông còn tham gia nghiên cứu về giáo dục STEM và đã hỗ trợ, tập huấn cho hàng nghìn giáo viên phổ thông, hàng chục nghìn học sinh trong cả nước về giáo dục STEM. Giảng viên của Khoa đã tham gia viết sách giáo khoa môn Tin học lớp 10, lớp 11, môn Công nghệ lớp 9, lớp 12 ở bậc phổ thông nhằm góp phần gắn kết giữa giáo dục đại học và giáo dục phổ thông, nâng cao dân trí, mang lại công bằng về giáo dục giữa các vùng miền trong cả nước.
Tiến sĩ Vũ Văn Khoa, cựu sinh viên thuộc khóa đầu tiên của Khoa Điện tử - Viễn thông (Trường Đại học Điện lực), nhận bằng tiến sĩ tại Nhật Bản, hiện đang là cán bộ nghiên cứu và phát triển tại Công ty Espec Nhật Bản - nhà sản xuất buồng thử nghiệm môi trường hàng đầu thế giới. Công ty nằm trong danh sách 100 công ty hàng đầu thế giới do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản bình chọn và có chi nhánh trên toàn cầu từ Mỹ, Trung Quốc, Brazil, New Zealand, Hàn Quốc và châu Âu.
Tiến sĩ Vũ Văn Khoa chia sẻ về những “bước chân” đầu tiên đến với ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông: “Trong thời gian đi học, bản thân có rất nhiều kỷ niệm với thầy, cô và bạn bè. Đặc biệt, tôi có tham gia nghiên cứu khoa học và nhiều hoạt động ngoại khóa như Robocon, sinh viên tình nguyện, du lịch ngoại khóa,… Những hoạt động này mang lại những trải nghiệm hết sức quý giá cho tôi.
Chẳng hạn như khi tham gia Robocon, tôi đã được tiếp cận mạch điện tử và tìm hiểu quá trình phát triển một sản phẩm từ rất sớm. Các hoạt động đoàn thể giúp tôi được gặp gỡ bạn bè và có những mối quan hệ tốt cho tới tận bây giờ”.
Gửi gắm lời khuyên tới các em sinh viên theo đuổi ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, thầy Phạm Duy Phong chia sẻ: Các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây chủ yếu tạo ra sự phân chia cơ cấu lực lượng lao động xã hội theo các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Song, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo cơ sở đưa đến một loại hình phân chia cơ cấu nhân lực mới với hai thành phần cơ bản là: nhân lực thực hành (hành chính; vận chuyển, bảo trì; sản xuất theo dây chuyền); và nhân lực đổi mới sáng tạo (nhà sáng chế, thiết kế; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; thử nghiệm; sáng tạo nghệ thuật).
Cơ cấu ngành nghề sẽ có những thay đổi căn bản. Các ngành nghề truyền thống sẽ dần bị xóa nhòa và được thay thế bằng những ngành có tính tích hợp, liên ngành cao như Khoa học vật liệu, Điện, Điện tử Viễn thông, Công nghệ thông tin, Cơ điện tử, Công nghệ môi trường.
Thị trường lao động trong tương lai sẽ ngày càng hướng đến nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, bên cạnh những kiến thức chuyên môn, kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật Điện tử - Viễn thông còn cần trang bị kỹ năng mềm và năng lực đổi mới, sáng tạo để có thể làm việc trong các doanh nghiệp, liên tục đổi mới nhằm đưa ra các sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao với hàm lượng tri thức lớn.
Không chỉ cần có đam mê và sở thích, nếu muốn theo đuổi, học tốt và làm việc trong lĩnh vực Điện tử - Viễn thông, các em còn cần trang bị và phát triển cho mình một số tố chất cần thiết như: tư duy logic; kiên trì nhẫn nại; khả năng ngoại ngữ; ham học hỏi, phát triển bản thân.