Sáng 26/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước phiên thảo luận về dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, quá trình thảo luận có ý kiến đề nghị cần kết cấu lại các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt để phân tách rõ nhóm phương án phục hồi và nhóm phương án xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt không có khả năng phục hồi như giải thể, phá sản, chuyển giao bắt buộc cho đồng bộ và khả thi khi triển khai.
Đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, dự thảo luật mới nhất đã được chỉnh lý theo hướng phân chia lại các phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được thống nhất, rõ ràng hơn. Theo đó, phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt bao gồm: phương án phục hồi; phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp, cổ phần đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; phương án giải thể; phương án chuyển giao bắt buộc và phương án phá sản.
Theo dự thảo luật, phương án phục hồi là phương án áp dụng các biện pháp để tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt tự khắc phục tình trạng dẫn đến đặt vào kiểm soát đặc biệt.
Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp là phương án áp dụng khi có tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, hợp nhất, có nhà đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Phương án chuyển giao bắt buộc là phương án chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ cổ phần, phần vốn góp cho tổ chức tín dụng, nhà đầu tư khác nhận chuyển giao.
Phương án phá sản bằng việc cơ cấu lại TCTD bằng hình thức phá sản cũng là một hình thức răn đe, động lực để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị điều hành và trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn tiền huy động, từ đó nâng cao ý thức người gửi tiền và khách hàng lựa chọn TCTD có uy tín, chất lượng dịch vụ tốt. Dự thảo Luật quy định việc phá sản chỉ áp dụng sau khi đã thực hiện các biện pháp khác nhưng không thành công, đồng thời quy định rõ việc quyết định thực hiện phương án phá sản TCTD thuộc thẩm quyền của Chính phủ để bảo đảm quyết định một cách kỹ lưỡng, thận trọng, chặt chẽ.
Giải trình về phương án chuyển giao bắt buộc, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ cơ chế, điều kiện, đối tượng, tiêu chí chỉ định TCTD nhận chuyển giao bắt buộc; đối tượng nhận chuyển giao bắt buộc chỉ là TCTD, nhà đầu tư hay cần quy định Nhà nước cũng đứng ra nhận chuyển giao bắt buộc trong một số trường hợp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉ đạo rà soát toàn bộ các quy định về chuyển giao bắt buộc tại Mục 1đ của dự thảo Luật cả về điều kiện, trình tự thủ tục, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, biện pháp hỗ trợ... Trường hợp không có TCTD, nhà đầu tư khác đề nghị nhận chuyển giao bắt buộc; không xây dựng được phương án chuyển giao bắt buộc hoặc Chính phủ không phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc thì Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ quyết định chủ trương và thực hiện phương án phá sản như quy định tại khoản 8 Điều 151a.
Sau quá trình đánh giá việc thực hiện chủ trương mua bắt buộc, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-CP ngày 15/4/2017, theo đó Nhà nước sẽ không áp dụng biện pháp mua bắt buộc. Tiếp nối tinh thần đó, dự thảo Luật không quy định về phương án mua bắt buộc TCTD mà bổ sung phương án chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng thương mại.
Có ý kiến đề nghị làm rõ khi nào phải thực hiện chuyển giao bắt buộc; hệ lụy nếu không có quy định phương án chuyển giao bắt buộc; quy định chặt chẽ và minh bạch thủ tục lựa chọn tổ chức tín dụng, nhà đầu tư nhận chuyển giao đặc biệt để tránh tình trạng xin – cho khi có nhiều tổ chức tín dụng đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 151 của dự thảo Luật
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, trình tự thủ tục phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc; theo đó chỉ áp dụng đối với ngân hàng thương mại khi giá trị thực của vốn điều lệ, quỹ dự trữ của ngân hàng đó đã âm (tài sản nợ nhiều hơn tài sản có), thực chất đã lâm vào tình trạng phá sản nhưng nếu cho phá sản sẽ ảnh hưởng đến an toàn, hoạt động của hệ thống; tiềm ẩn rủi ro lớn, ảnh hưởng đến an ninh tiền tệ quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Việc phê duyệt chủ trương áp dụng phương án chuyển giao bắt buộc thuộc thẩm quyền của Chính phủ; dự thảo Luật đã quy định cụ thể cả về điều kiện, trình tự thủ tục, nội dung phương án chuyển giao bắt buộc, biện pháp hỗ trợ... trong đó nêu rõ quyền và trách nhiệm của TCTD, nhà đầu tư nhận chuyển giao, của Ban kiểm soát đặc biệt cũng như Ngân hàng Nhà nước trong việc đề xuất, trình phương án chuyển giao bắt buộc, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch.
Theo M.Ngọc/ Trí Thức Trẻ