Trong đó, nợ nhiều nhất là CTCP Sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) nợ hơn 309,5 tỷ đồng; tiếp theo là Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (Lào Cai) nợ gần 88,9 tỷ đồng.
Ngoài ra, danh sách còn một loạt những cái tên như: Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản An Thông (Hà Giang) nợ hơn 45 tỷ đồng; Công ty cổ phần Khoáng sản Sài Gòn-Ninh Thuận (Ninh Thuận) còn nợ xấp xỉ 37 tỷ đồng; Công ty cổ phần Khai thác chế biến khoáng sản Lào Cai (Lào Cai) nợ trên 22 tỷ đồng…
Theo Tổng cục Thuế, số nợ trên ngoài lý do doanh nghiệp chây ỳ, có trách nhiệm của các cục thuế chưa kịp thời đôn đốc, áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đầy đủ.
Vì vậy, lãnh đạo Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế các địa phương rà soát, đối chiếu xác định chính xác số tiền nợ đọng của từng doanh nghiệp để áp dụng ngay các biện pháp đôn đốc cưỡng chế nợ thuế.
Lãnh đạo ngành Thuế cũng yêu cầu các địa phương thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế như: Gọi điện, nhắn tin, gửi thư cho chủ doanh nghiệp (doanh nghiệp nợ 1-30 ngày); ban hành thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt, chậm nộp tới doanh nghiệp (nợ từ ngày 31 trở lên). Với những khoản nợ 91-120 ngày, cơ quan chức năng có thể ban hành quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản và thậm chí là thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng (nợ trên 120 ngày).