Theo đó, Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã ký hợp đồng tài trợ khoản vay thương mại trị giá khoảng 6.850 tỷ đồng với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng (VPBank); Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (AGR).
Đây là khoản vay cho một dự án BOT hạ tầng đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện dưới hình thức đồng tài trợ, trong đó Vietinbank là ngân hàng đứng ra thu xếp vốn. Tại Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, các ngân hàng tài trợ khoảng 70% tổng mức đầu tư, 30% nhu cầu vốn còn lại được thực hiện bằng nguồn vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư.
Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai rất chậm trong 5 năm qua. Trong khi đó, nếu đoạn cao tốc này hoàn thành sớm thì các dự án còn lại sẽ được đẩy nhanh tiến độ, "đây là mong mỏi của hàng chục triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long".
Ông Thể cũng cho biết, Bộ Giao thông đã kiến nghị Chính phủ và Quốc hội triển khai cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ để kết nối đồng bộ với cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Quốc hội đã bố trí 5.500 tỷ để xây cầu Mỹ Thuận 2; năm nay Bộ sẽ giao thầu dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang gồm Châu Thành, Tân Phước, Cai Lậy, Cái Bè và Thị xã Cai Lậy. Điểm đầu dự án tại nút giao Thân Cửu Nghĩa (tiếp nối cao tốc TP HCM – Trung Lương), điểm cuối tại nút giao với quốc lộ 30.
Như vậy, sau 5 năm chậm tiến độ do thiếu vốn, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km được tái khởi động.