9 năm hủy niêm yết, BBT có gì?

Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết (BBT) quay trở lại sàn giao dịch chứng khoán sau 9 năm hủy niêm yết. Nhìn vào bức tranh tài chính, kinh doanh của BBT có thể thấy, hành trang ngày trở lại của tên tuổi
9 năm hủy niêm yết, BBT có gì?

Từ quá khứ vàng son đến án hủy niêm yết

Tiền thân là nhà máy Cobovina Bạch Tuyết thành lập năm 1960 chuyên sản xuất sản phẩm bông y tế và băng vệ sinh phụ nữ. Bông Bạch Tuyết từng là thương hiệu vang bóng một thời khi chiếm đến 90% - 95% lượng tiêu thụ bông y tế cả nước vào những năm cuối thập niên 90.

Cùng với sự cơ cấu, đổi mới nền kinh tế, năm 1997, BBT đã chuyển đổi hình thức hoạt động sang công ty cổ phần và đến năm 2003 trở thành doanh nghiệp thứ 23 niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với vốn điều lệ 68,4 tỷ đồng, tương đương 6,84 triệu cổ phiếu. Mức vốn đó được giữ nguyên cho đến ngày nay.

Những tưởng việc tiên phong lên sàn chứng khoán, được hưởng nhiều ưu đãi cùng nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển nhanh sẽ giúp Bông Bạch Tuyết cất cánh. Tuy nhiên, việc đầu tư mới thiếu hiệu quả, cạnh tranh khốc liệt khiến công tác tiêu thụ gặp khó khăn, đặc biệt, hình thức công ty cổ phần thay vì đem lại làn gió mới trong quản trị lại khiến nội bộ công ty xung đột, mâu thuẫn.

Hệ quả là kết quả kinh doanh của BBT liên tục đi xuống, sau khi thua lỗ 8,5 tỷ đồng trong năm 2006, 6,8 tỷ đồng năm 2007, BBT lỗ tiếp 10,6 tỷ đồng trong năm 2008 và lĩnh án hủy niêm yết vào tháng 8/2009 do không đáp ứng yêu cầu vốn điều lệ thực góp.

Tình hình công ty những năm sau đó cũng không mấy khả quan khi thua lỗ dai dẳng. Tính đến hết năm 2014, lỗ lũy kế của BBT lên đến 104,8 tỷ đồng, gấp 1,5 lần vốn điều lệ, âm vốn chủ sở hữu. Chưa kể, với 2 án phạt do tranh chấp, kiện tụng với Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải và Công ty cổ phần Bibica (BBC) với số tiền lần lượt là 28,8 tỷ đồng và 9 tỷ đồng, thương hiệu Bông Bạch Tuyết đứng trước nguy cơ phá sản, có thể bị cưỡng chế tài sản để thi hành án bất cứ lúc nào.

Chặng đường hồi sinh và ngày trở lại

Ngày 5/6/2018, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ra thông báo về việc chấp thuận đăng ký giao dịch của Công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết trên sàn đại chúng chưa niêm yết (UPCoM). Ngày giao dịch đầu tiên là 12/6/2018 với giá tham chiếu 2.300 đồng/cổ phiếu.

Mức giá trở lại sàn của BBT chỉ bằng 42% giá trước khi hủy niêm yết năm 2009 và thuộc nhóm có mức giá chào sàn thấp nhất nhiều năm trở lại đây. Nguyên nhân được cho là bởi tình hình tài chính của Công ty không mấy khả quan, giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính (BCTC) năm 2017 kiểm toán bởi Công ty trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và tư vấn A&C đến cuối năm 2017 chỉ khoảng 2.300 đồng/cổ phiếu.

Tính đến cuối năm 2017, BBT còn lỗ lũy kế 61,89 tỷ đồng, chiếm 90% vốn điều lệ, tổng vốn chủ sở hữu chỉ 15,9 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn mất cân đối với nợ phải trả chiếm 84%, gấp 5,2 lần vốn chủ sở hữu.

Cơ cấu tài sản gánh nhiều nợ xấu tồn đọng, báo cáo kiểm toán của A&C chỉ ra một loạt các khoản phải thu, phải trả, vay nợ ngắn hạn không rõ đối tượng, không thể xác minh. Dòng tiền cũng chịu áp lực khi mỗi tháng đang phải thanh toán nghĩa vụ tranh chấp, kiện tụng cho Ngân hàng Hàng Hải (200 triệu đồng/tháng) và BBC (100 triệu đồng/tháng).

Bức tranh tài chính hầu như toàn màu tối, nhiều ý kiến đã dự đoán BBT sẽ tiếp tục trở thành một cổ phiếu lên sàn “để rơi” tương tự trường hợp nhiều doanh nghiệp lỗ lũy kế, kinh doanh kém hiệu quả nhưng đăng ký giao dịch để đáp ứng quy định công ty đại chúng thời gian qua.

Tuy nhiên, đáng chú ý là những mảng tối của BBT hầu như do giai đoạn 2006 - 2013 để lại, còn trong 3 năm trở lại đây, tình hình kinh doanh đã có sự cải thiện đáng kể, đặc biệt là trong kiểm soát chi phí giúp tạo ra lợi nhuận, trong khi doanh thu tăng trưởng.

Cụ thể, sau khi thua lỗ đỉnh điểm vào năm 2013, từ năm 2014, BBT đã bắt đầu có lợi nhuận trở lại. Năm 2014, 2015 và 2016, lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 2,4 tỷ đồng, 4,9 tỷ đồng và 14,7 tỷ đồng.

Trong năm 2017, BBT ghi nhận doanh thu 92,4 tỷ đồng, tăng 14,9% so với 2016, mặc dù giá vốn hàng bán tăng nhưng nhờ kiểm soát tốt chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp mà lợi nhuận trước thuế đạt 15,4 tỷ đồng, tăng 4,7% so với năm 2016, sau khi trừ thuế còn lại 14,2 tỷ đồng.

Rõ ràng, đây không phải mức thấp so với nhiều doanh nghiệp trên thị trường, nhất là khi vốn điều lệ chỉ 68 tỷ đồng, tổng tài sản 100 tỷ đồng. Tỷ lệ lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản của BBT đạt 14,2%, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 2.070 đồng/cổ phiếu.

Đến nay, hầu như các khoản lãi phải thu đã được trích lập dự phòng. Mặc dù nợ phải trả chiếm tỷ trọng lớn, nhưng phần lớn cơ cấu nợ là các khoản phải trả, nợ vay chịu lãi chỉ khoảng 1,3 tỷ đồng giúp chi phí tài chính của BBT chỉ hơn 730 triệu đồng và thấp hơn thu nhập tài chính từ lãi tiền gửi.

Như vậy, nếu Công ty tiếp tục duy trì lợi nhuận như những năm qua, trong khoảng 5 năm tới sẽ có thể bù hết lỗ lũy kế cũng như cơ bản hoàn tất các nghĩa vụ thi hành án.

Điều này khá khả thi khi triển vọng ngành thiết bị y tế nói chung và phân khúc sản phẩm bông của BBT ở Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều dự báo tăng trưởng khả quan. Đặc biệt, BBT có lợi thế lớn nhờ mối quan hệ với những bệnh viện, công ty dược lớn giúp tiêu thụ qua kênh y tế hiệu quả, đem lại doanh thu, dù thương hiệu ngày càng vắng bóng trên thị trường và bị tụt lại so với nhiều đối thủ.

Trong năm 2018, BBT dự kiến kế hoạch doanh thu 106,2 tỷ đồng, tăng 14,95% so với thực hiện năm 2017, lợi nhuận trước thuế 16 tỷ đồng, tăng 3,89%. Đồng thời, dự kiến chuyển đổi mô hình kinh doanh từ 2 kênh chính là y tế và tiêu dùng thành 6 kênh: Bán qua nhà phân phối (GT), đầu thầu, bán buôn (ETC); nhà thuốc (OTC); siêu thị (MT) và bán online nhằm thâm nhập sâu hơn vào thị trường. Kết thúc quý I/2018, BBT đã đạt 21,2 tỷ đồng doanh thu, 3,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt hoàn thành 19,96% và 21,32% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, BBT cũng dự kiến gọi vốn bằng phát hành riêng lẻ 2,96 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ lên 98 tỷ đồng. Nếu thành công sẽ giúp cải thiện cơ cấu tài chính, bổ sung vốn khi kinh doanh thua lỗ khiến việc vay ngân hàng gặp khó, nhiều năm liền nhà xưởng, máy móc không nhận được đầu tư lớn.

Mặc dù bức tranh tài chính hé lộ những điểm sáng, tình hình quản trị, minh bạch của BBT lại bị đặt nhiều dấu hỏi khi tháng 2/2018, Công ty đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 330 triệu đồng do hàng loạt vi phạm nghĩa vụ về công bố thông tin, quy định về quản trị. Trước đó, mâu thuẫn nội bộ cũng chính là nguyên nhân đẩy BBT vào suy thoái cách đây 10 năm, để lại nhiều hệ quả cho đến ngày nay.

Chưa kể, phương án phát hành tăng vốn của BBT cũng gặp nhiều vướng mắc. Dù được Đại hội đồng cổ đông tháng 6/2017 thông qua và BBT đã nộp hồ sơ đăng ký lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào tháng 7/2017 nhưng việc phát hành vẫn chưa được chấp thuận. Mức giá phát hành cũng là vấn đề nghi ngại khi giá trị sổ sách chỉ bằng 1/4 giá dự kiến phát hành.

Lỗ lũy kế lớn, cơ cấu tài chính mất cân đối, công nghệ sản xuất cũ, cạnh tranh ngày càng gay gắt…, nhiều áp lực lớn vẫn đang đè nặng lên BBT ngày trở lại sàn chứng khoán. Dù doanh nghiệp đã có 3 năm hồi sinh khá mạnh mẽ, rõ ràng, Công ty vẫn còn nhiều việc phải làm để tạo sự an tâm cho nhà đầu tư.

Theo TNCK

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...