Ngành hóa chất đảo chiều: Doanh nghiệp nhỏ tăng vọt, DGC hụt hơi

Ngành hóa chất hiện đang cho thấy sự phân hóa rõ rệt, khi các doanh nghiệp nhỏ hơn như Hóa chất Cơ bản Miền Nam và Hóa chất Việt Trì đang tận dụng đà tăng trưởng của thị trường để bứt phá, trong khi "ông lớn" Tập đoàn Hóa chất Đức Giang lại gặp khó khăn trong việc duy trì lợi nhuận...

Ngành hóa chất đảo chiều: Doanh nghiệp nhỏ tăng vọt, DGC hụt hơi

Trong quý 3/2024, bức tranh ngành hóa chất hiện lên với hai gam màu đối lập. Những doanh nghiệp tầm trung như Công ty Cổ phần Hóa chất Cơ bản Miền Nam (Sochem, mã chứng khoán: CSV) và Hóa chất Việt Trì (mã chứng khoán: HVT) đang có bước tiến vượt bậc, với nhiều điểm sáng thể hiện trên báo cáo tài chính.

Ngược lại, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC), vốn được coi là "ông lớn" của ngành, lại đang đối mặt với áp lực sụt giảm lợi nhuận, khiến thị trường không khỏi bất ngờ về sự chuyển mình trái chiều trong ngành.

Điều này không chỉ phản ánh sự khác biệt về quy mô mà còn cho thấy cách tiếp cận linh hoạt và chiến lược thích ứng của từng doanh nghiệp trước những biến động thị trường.

Cụ thể, Hóa chất Việt Trì ghi nhận doanh thu thuần trong quý vừa qua đạt 378 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá bán các sản phẩm tăng mạnh và sự ổn định của sản phẩm mới Vi-Chlorine, một chất khử trùng đang được thị trường đón nhận tích cực.

Giá vốn chỉ tăng nhẹ 10%, giúp doanh nghiệp đạt lãi gộp 83 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với quý 3 năm trước. Kết quả này góp phần đưa lợi nhuận sau thuế của Hóa chất Việt Trì lên 27 tỷ đồng, tăng gần 23 lần so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Hóa chất Việt Trì đạt gần 1,1 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 15%. Theo đó, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt đạt 67 và 54 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch doanh thu và 64% mục tiêu lợi nhuận.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của Hóa chất Việt Trì tăng nhẹ lên 769 tỷ đồng, tuy nhiên tài sản ngắn hạn giảm gần 27%, còn hơn 294 tỷ đồng. Tiền mặt và tiền gửi cũng giảm mạnh, còn hơn 40 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho giảm 31%, xuống mức hơn 96 tỷ đồng.

Bên nguồn vốn, đa phần nợ phải trả là nợ ngắn hạn, giảm nhẹ so với đầu năm, còn 307 tỷ đồng. Con số này lớn hơn giá trị tài sản ngắn hạn, cho thấy Hóa chất Việt Trì có rủi ro trong việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ tới hạn.

Nợ vay ngắn hạn đạt gần 135 tỷ đồng, hơn đầu năm 12%, trong khi nợ vay dài hạn giảm 15%, còn hơn 36 tỷ đồng, đều là vay nợ từ các ngân hàng.

Tương tự, Hóa chất Cơ bản Miền Nam vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2024 đầy khởi sắc với doanh thu vượt 507 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế đạt gần 79 tỷ đồng, tăng 54%.

Động lực chính đến từ sản lượng và giá bán tăng mạnh ở các sản phẩm chủ lực như NaOH, HCl, Clor lỏng, H2SO4, Javel, PAC… cùng với phốt pho vàng từ công ty con tăng 80% về sản lượng và 3% về giá bán.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.339,5 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 255 tỷ và 203 tỷ đồng, tăng trưởng gần 16% về doanh thu và 15% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm ngoái. Với các kết quả này, Sochem đã hoàn thành 82% mục tiêu doanh thu và đạt 98% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2024.

Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của công ty đạt hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó tiền mặt và tiền gửi ngân hàng chiếm đến 41%, tương đương gần 760 tỷ đồng.

Trong khi đó, Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã chứng khoán: DGC) ghi nhận doanh thu quý 3/2024 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.558 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 881 tỷ đồng, tăng 5%, với biên lợi nhuận gộp đạt 34,4%.

Tuy nhiên, doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 26% còn hơn 150 tỷ đồng, do lãi tiền gửi giảm. Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng, còn chi phí quản lý doanh nghiệp không thay đổi.

Kết quả là lợi nhuận ròng của Đức Giang giảm hơn 7%, đạt 706 tỷ đồng, kéo theo EPS giảm từ 1.884 đồng xuống 1.747 đồng. Theo giải trình của công ty, nguyên nhân chính đến từ việc hụt nguồn thu tài chính và chi phí bán hàng tăng cao, tạo áp lực lớn lên biên lợi nhuận của công ty.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu của Đức Giang tăng nhẹ lên 7.447 tỷ đồng, với doanh thu từ thị trường nước ngoài chiếm 3.820 tỷ đồng và thị trường trong nước đóng góp 3.627 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng giảm 7% so với cùng kỳ, còn 2.322 tỷ đồng.

Theo kế hoạch năm 2024, tập đoàn đặt mục tiêu đạt doanh thu 10.202 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.100 tỷ đồng. Với kết quả này, Đức Giang đã hoàn thành 73% chỉ tiêu doanh thu và gần 74% chỉ tiêu lợi nhuận sau 3 quý.

Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản của Hóa chất Đức Giang đạt 16.196 tỷ đồng, tăng 500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt, tương đương tiền và tiền gửi chiếm đến 11.366 tỷ đồng, tương đương 70% tổng tài sản, tăng thêm 1.379 tỷ đồng so với cuối quý 2/2024 và tăng 1.776 tỷ đồng so với đầu năm.

Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt gần 7.600 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với đầu năm và gấp đôi so với vốn điều lệ 3.798 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 14.141 tỷ đồng.

Xem thêm

Quỹ Vietnam Holdings thắng lớn nhờ cổ phiếu ngân hàng và FPT

Quỹ Vietnam Holdings thắng lớn nhờ cổ phiếu ngân hàng và FPT

Quỹ Vietnam Holdings (VNH) cho biết đã đạt mức tăng trưởng 21,3% trong 9 tháng đầu năm 2024 nhờ vào khoản đầu tư vào FPT với mức tăng giá cổ phiếu 60%. Ngoài FPT, quỹ cũng ghi nhận hiệu suất tích cực từ hai cổ phiếu là STB và TCB, chiếm tỷ trọng lần lượt 4,1% và 6,4% trong danh mục...

Có thể bạn quan tâm