ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2025 đạt 6,6%

Theo dự báo, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ chững lại ở mức 6,6% trong năm 2025 và 6,5% trong năm 2026; lạm phát cho cả năm nay sẽ có thể tăng lên mức 4%...

ADB dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2025 đạt 6,6%

Ngày 9/4, tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á (ADO) tháng 4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng 6,6% trong năm 2025 và đạt 6,5% vào năm 2026, sau mức tăng mạnh 7,1% trong năm 2024.

Báo cáo nhận định rằng căng thẳng thương mại toàn cầu có thể ảnh hưởng đến ngành sản xuất định hướng xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1/2025 đạt 202,52 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng ADB dự báo mức tăng trưởng thương mại hàng hóa sẽ chậm lại còn khoảng 7% trong cả năm 2025 và 2026.

Đáng chú ý, xu hướng bảo hộ trở lại trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ sẽ tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng toàn cầu với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang có thặng dư thương mại lớn với thị trường này. Theo đó, tăng trưởng ngành công nghiệp được dự báo sẽ giảm tốc, chỉ đạt khoảng 7% trong năm 2025.

Ngoài ra, áp lực từ căng thẳng địa chính trị, tiêu dùng nội địa gia tăng và nỗ lực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công cũng được dự báo sẽ khiến lạm phát tăng lên mức 4% trong năm nay và lên 4,2% vào năm 2026.

Dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát của Việt Nam năm 2025 và 2026

Dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát của Việt Nam năm 2025 và 2026

Theo ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, tăng trưởng thương mại mạnh, phục hồi sản xuất xuất khẩu và dòng vốn FDI tích cực là động lực chính thúc đẩy kinh tế Việt Nam trong năm 2024. “Tuy nhiên, chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ và những bất ổn toàn cầu hiện nay sẽ có thể đặt ra thách thức lớn cho tăng trưởng trong năm nay”, ông Chakraborty cho hay.

Cụ thể, môi trường kinh tế quốc tế đang biến động mạnh với nhiều yếu tố rủi ro, như thuế quan leo thang, biện pháp trả đũa, xung đột Nga - Ukraine kéo dài, và tình hình căng thẳng ở Trung Đông. Những yếu tố này có thể kìm hãm đà phục hồi kinh tế toàn cầu trong ngắn đến trung hạn, đặc biệt đối với những nền kinh tế dựa vào xuất khẩu như Việt Nam.

Thêm vào đó, sự suy giảm tăng trưởng tại hai đối tác thương mại chủ chốt là Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế Việt Nam.

ADB dự báo tăng trưởng của các nước trong khu vực Châu Á đang phát triển sẽ giảm xuống trong năm 2025 và 2026.
ADB dự báo tăng trưởng của các nước trong khu vực Châu Á đang phát triển sẽ giảm xuống trong năm 2025 và 2026.

Về xu hướng đầu tư FDI, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, cho biết việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế quan lên tới 46% có thể khiến các nhà đầu tư e ngại và làm giảm sút hoạt động đầu tư của họ tại Việt Nam, từ đó ảnh hưởng đến dòng vốn FDI trong thời gian tới.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, để giảm thiểu rủi ro tăng trưởng trong năm 2025, Việt Nam nên đẩy mạnh kích cầu nội địa, thông qua tăng chi tiêu ngân sách cho hạ tầng, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Điều này không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước mà còn gia tăng sức hút với nhà đầu tư nước ngoài.

“Gói tín dụng 500.000 tỷ đồng mới được Chính phủ công bố cho các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là bước đi kịp thời, thể hiện sự chủ động ứng phó với kịch bản thuế quan tiếp tục leo thang trong thời gian tới”, ông Hùng nhấn mạnh.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị Việt Nam cần tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm giảm thiểu rủi ro kinh tế. Trong bối cảnh cục diện kinh tế thế giới thay đổi, vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu cũng đang dịch chuyển. Do đó, việc xác định rõ các thách thức và rào cản là yếu tố then chốt để hoạch định chiến lược phát triển dài hạn.

“Chuỗi cung ứng toàn cầu có sự tham gia của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam sẽ là nền tảng quan trọng giúp Việt Nam đa dạng hóa đầu ra xuất khẩu trong bối cảnh thị trường quốc tế đang thu hẹp,” ông Chakraborty nhận định.

Căng thẳng thương mại trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Căng thẳng thương mại trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, chuyên gia ADB cho rằng chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian vừa qua. Nếu được triển khai đồng bộ và nhanh chóng, các cải cách này sẽ tạo điều kiện hơn nữa để thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn của Việt Nam.

Việc Hoa Kỳ công bố các biện pháp thuế quan mới vào đầu tháng 4 vừa rồi có thể ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng của Việt Nam trong giai đoạn 2025 -2026. “Trong bối cảnh đó, việc duy trì ổn định kinh tế, bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và đảm bảo việc làm là ưu tiên hàng đầu. Do vậy, các gói kích cầu tài khóa bổ sung là hết sức cần thiết để thúc đẩy nhu cầu nội địa của Việt Nam trong thời gian tới”, ông Chakraborty gợi ý.

Xem thêm

WB dự báo GDP Việt Nam 2025 tăng 6,8%

WB dự báo GDP Việt Nam 2025 tăng 6,8%

Mức dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,8% của WB thấp hơn mục tiêu tăng trưởng chính thức của Chính phủ là ít nhất 8% trong năm nay và mức tăng trưởng 7,09% của năm ngoái...

Có thể bạn quan tâm