Đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban dân nguyện.
Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 3/11, đại biểu Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban dân nguyện bày tỏ bức xúc trước những biến tướng của hình thức bán hàng đa cấp .
Dẫn số liệu Bộ Công thương, bà Hải cho hay, Việt Nam có tới 1 triệu người tham gia bán hàng đa cấp, 1 triệu người tức là 1/90 tổng dân số nước ta.
Theo bà Hải, có thể nói không sai rằng bán hàng đa cấp như một cơn bão lốc tạo nên một cơn ác mộng tàn phá sự thanh bình của nhiều làng quê yên tĩnh, chất phác đã làm giảm sút lòng tin của con người với nhau và ảnh hưởng tới đạo đức xã hội.
Thực tế cho thấy đối tượng mà các công ty đa cấp nhắm tới để phát triển mạng lưới thường là những người nội trợ, người lao động, người về hưu.
Đặc biệt khi đi giám sát ở một số địa phương, bà Hải cho biết có một thực tế hết sức đáng lo ngại đó là những người dân thuộc diện được nhận tiền đền bù giải tỏa lại chính là đối tượng mà các công ty kinh doanh bán hàng đa cấp nhắm tới.
Đặt vấn đề vì sao bán hàng đa cấp ở nước ngoài hiện nay vẫn là một trong những phương thức kinh doanh tiến bộ nhưng về Việt Nam lại gây nhiều bức xúc trong xã hội đến thế, bà Hải đã chỉ ra các nguyên nhân sau:
Nguyên nhân thứ nhất là do các công ty bán hàng đa cấp thường không quan tâm tới việc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm giảm giá thành mà chỉ quan tâm tới việc quảng cáo, đánh vào tâm lý thích làm giàu nhanh của người dân.
Thứ hai, lợi nhuận của bán hàng đa cấp không đến từ việc bán hàng, bán sản phẩm mà lại đến từ việc bán sản phẩm, đến việc lôi kéo được người tham gia vào mạng lưới đa cấp.
Bà Hải lấy ví dụ, Công ty đa cấp Trường Giang nhập khẩu sản phẩm TruongGiang Calcium Kid là sản phẩm bổ sung can xi cho trẻ em giá chỉ 12.000 đồng nhưng được rao bán cho người tham gia là 990.000 đồng, mức chênh lệch giữa giá nhập và giá bán là 82,5 lần.
Chẳng hạn một người A tham gia vào mạng lưới bắt buộc phải mua 10 sản phẩm, tức là bỏ 9.900.000 đồng để mua 10 sản phẩm chỉ có giá trị 120.000 đồng. Nhưng sau đó người này bán được 10 sản phẩm này sẽ nhận được số tiền hoa hồng rất cao, đó là 5 triệu đồng, trường hợp không bán được cũng không lấy lại được tiền.
Vì vậy, người khi tham gia vào bán hàng đa cấp mặc dù sau đó đã biết mình bị lừa nhưng vì muốn thu hồi lại số tiền nên bằng mọi cách phải đi lừa lại người khác để lấy lại số tiền.
Điển hình mới đây, bà Hải cho biết đó là vụ Công ty Liên Việt vừa qua đã lừa đảo, lôi kéo 60.000 người tham gia nộp vào Liên Việt 1.900 tỷ đồng, khoảng 65% số tiền thu được đã chi cho hoa hồng, riêng Tổng giám đốc Liên Việt - Lê Xuân Giang thu lợi 500 tỷ đồng, hiện vụ án đã được điều tra.
"Tuy nhiên, không biết có bao nhiêu người dân do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin còn đang sống dở, chết dở vì công ty đa cấp này. Các cơ quan quản lý nhà nước đã thiếu quan tâm, thiếu phối hợp, không kịp thời phát hiện trong suốt một thời gian dài để xử lý nên hậu quả không biết bao giờ mới khắc phục xong", bà Hải nói.
Theo bà Hải, thực chất bán hàng đa cấp không phải là xấu nhưng những biến tướng của nó lại rất xấu và đặc biệt rất khó kiểm soát, vì hành lang pháp lý của chúng ta hiện nay còn chưa đủ mạnh, chưa theo kịp quản lý nhiều mô hình biến tướng, rất phức tạp, đặc biệt xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này đôi khi còn chồng chéo và có dấu hiệu buông lỏng, hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả, chế tài xử phạt còn rất thấp, thẩm quyền xử phạt chưa hợp lý...
Trước thực trạng trên, bà Hải đề nghị Chính phủ cần tiến hành rà soát hệ thống văn bản pháp luật đảm bảo tính thời sự, linh hoạt, mềm dẻo, đủ sức để theo kịp các diễn biến phức tạp của các hình thức bán hàng đa cấp trên thị trường, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân nhận diện những dấu hiệu của công ty đa cấp lừa đảo.
Bên cạnh đó, cần có đánh giá tác động của công ty bán hàng đa cấp lên xã hội, có bao nhiêu doanh nghiệp đa cấp đã mang lại lợi ích thực sự cho đất nước cũng như hê lụy khôn lường lên xã hội do bán hàng đa cấp gây ra.