Còn sức mạnh của Triệu Khắc Tiến nằm ở chỗ anh không phô diễn hình họa và phơi bày cảm quan mỹ học của mình la liệt trên chất liệu, mà đơn giản anh dùng chất liệu đó, để bản thân nó tự tái hiện phần triết học nội tâm của riêng anh.
Thú thực, người viết chưa bao giờ có duyên gặp gỡ họa sĩ Triệu Khắc Tiến, nhưng xem tranh và nghe về anh thì nhiều.
Trong lời kể của những nghệ sĩ cùng thời, anh là người họa sĩ lạ trong làng tranh sơn màu Việt. Anh có trong mình dòng máu nhiệt huyết lao động nghệ thuật; anh có một bàn tay phóng tác tự do vô thức để mà phát huy tột cùng nguồn cảm hứng hừng hực đặc quánh ấy, và đồng thời anh cũng có một nền tảng nghệ thuật vững chắc, được hòa quyện bền chặt giữa chất liệu truyền thống và đương đại.
Tôi nhìn vào tranh anh, và thấy không xa lạ. Triệu Khắc Tiến chọn chất liệu sơn mài, tôi thì cho rằng bất kỳ tác phẩm sơn mài giá trị nào cũng đáng được coi là một trường kỳ nghệ thuật. Bản thân quá trình tạo tác một bức tranh sơn mài có khi kéo dài vài năm trời. Người họa sĩ không những tìm tòi và cô đọng hình họa, mà còn phải đào sâu trong bảng màu sơn mài như đãi vàng trong cát, sao cho thứ màu sắc trên chất liệu biến ảo ấy lột tả được đúng ý đồ của anh về hình họa trong một cảm thức nghệ thuật bao hàm sự chuyển động không gian và thời gian mà không “nằm chết”.
Nếu coi lớp chất liệu, sắc màu, hình họa phủ trên bề mặt mỗi tác phẩm đó là lớp vỏ bọc bên ngoài cùng của tư duy và xúc cảm nghệ thuật xuất phát từ kinh nghiệm nội tâm người nghệ sĩ, thì tôi đồ rằng những nét vẽ lập thể ngẫu hứng của nghệ sĩ là thứ ngôn ngữ thần bí mà người xem buộc phải tự mình giải mã. Và suy cho cùng, cách thức nghệ sĩ “thuần phục” chất liệu, sắc màu, hình họa cũng chính là sự tu rèn hình thức để tác phẩm biểu hiện những giá trị nhân văn nội tại cao đẹp hơn.
Vậy nên mỗi khi nhìn vào một tác phẩm, tôi thường tha thiết muốn được đi sâu vào những quy ước hình họa và cảm thức chất liệu mà người nghệ sĩ phơi bày trước mắt, để tìm kiếm “bộ ngôn ngữ riêng” đầy ẩn số của họ. Đứng trước những tác phẩm giá trị; mọi sự gặp gỡ, trao đổi thường diễn biến trong khoảng trắng màu sắc và khoảng lặng tâm thức, vượt qua khuôn khổ ngôn từ và thời đại.
Đứng trước tranh của Triệu Khắc Tiến, tôi thấy phồn hoa trong những bạc, vàng và cả úa tàn, mục ruỗng, thấy bước chuyển thời gian trong những son sắc và phai tàn, thấy sự biến chuyển nội tâm từ khao khát đến hư vô. Những mảng màu tối thường xuyên xuất hiện không làm cho tác phẩm của Triệu Khắc Tiến trở nên u ám; ngược lại nó là sự biểu hiện trung dung nhất của những triết lý nhân sinh hài hòa: rằng mọi sự tàn úa thực chất đã bắt nguồn từ lúc khởi sinh, và rằng ta phải chấp nhận cuộc đời vẫn đẹp ngay cả trong những ngày giông bão nhất.
Sức mạnh của chất liệu sơn mài nằm ở chỗ nó đủ để diễn đạt và bao hàm trong đó tính hàn lâm của hội họa, bao gồm cả sự biến ảo của màu sắc, sự sắp đặt của hình họa, sự bền vững với thời gian. Còn sức mạnh của Triệu Khắc Tiến nằm ở chỗ anh không phô diễn hình khối và phơi bày cảm quan mỹ học của mình la liệt trên chất liệu, mà đơn giản anh chỉ dùng chất liệu đó, để bản thân nó tự tái hiện triết học nội tâm của riêng anh.
Bởi suy cho cùng, một họa sĩ có kỹ năng tạo hình tốt chưa chắc đã là một họa sĩ thành công, bởi chất liệu, màu sắc và hình họa chỉ là cái thể chất bên ngoài của tác phẩm. Những tác phẩm đó cần hơn phần hồn, tức là một tư duy, một trí tuệ, một cảm xúc; bởi hội họa vẫn là phong cách tư duy và xem tranh là lột trần, chiêm nghiệm, thấu hiểu tư duy ấy vậy.
Những họa sĩ vẽ sơn mài thường tự nhủ bản thân họ đã giàu có. Không chỉ giàu về tâm hồn, về tư duy nghệ thuật, mà còn giàu về … vàng. Cứ có dịp gặp gỡ nhau, họ thường lấy vàng làm đầu câu chuyện, khoe với nhau mua được bao nhiêu quỳ vàng… (Trong quá trình làm tranh sơn mài, đặc biệt là sơn mài truyền thống, vàng được sử dụng như một màu vẽ). Vì vậy mà tranh sơn mài có giá.
Mừng là ở chỗ, với những lớp họa sĩ sơn mài đương đại như Triệu Khắc Tiến, tác phẩm của họ thường được giới sưu tầm, giới mê tranh trân trọng mà không phải chờ đợi hàng thập kỷ qua đi để minh chứng với thời gian về sức trường tồn. Hay nói cách khác, tư duy của họ được chiêm nghiệm, đón nhận ngay trong thời đại của họ.
Họa sĩ Triệu Khắc Tiến bộc bạch: “Với tôi, sơn mài là thứ ngôn ngữ tạo hình có sức cuốn hút mạnh mẽ, luôn ẩn chứa những yếu tố bất ngờ độc đáo, từ quy trình vẽ khắt khe nghiêm ngặt đến những ngẫu hứng, tùy biến trong quá trình phủ mài, từ trừu tượng đến hữu hình, như ảo ảnh từ hư không trên nền then huyền bí lung linh bạc, vàng”.