Sau tăng vốn điều lệ lên 688 tỷ đồng, Apax Holdings tham vọng tiếp tục “xé giấy” huy động tiền vay để đầu tư vào giáo dục
Vội vã phát hành trái phiếu…
Ngày 27/7/2018 tới đây, CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã: IBC) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường nhằm thông qua kế hoạch huy động vốn trái phiếu. Hội đồng quản trị (HĐQT) sẽ xin ý kiến cổ đông về 2 đợt phát hành tổng cộng 550 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi.
HĐQT Apax Holdings cho biết, công ty đã hoàn thành Đợt 1 phát hành 207 trái phiếu riêng lẻ (mệnh giá 1 tỷ đồng/TP, kỳ hạn 5 năm) trên tổng số 455 trái phiếu chào bán, tương ứng tổng giá trị 207 tỷ đồng. Danh tính nhà đầu tư mua lô trái phiếu của Apax Holdings là Ngân hàng Shinhan (là đơn vị nhận uỷ thác của 2 quỹ đầu tư tư nhân gồm: Quỹ Valuesytem Dae Gwang A investment và Quỹ Valuesytem Global Mezzanine Investment).
Đầu tháng 6/2018, Apax Holdings đã điều chỉnh giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài từ 49% xuống 31% vốn điều lệ IBC để đảm bảo “room” ngoại sau đợt phát hành và chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.
Do đó, HĐQT trình đại hội phê duyệt Điều chỉnh nội dung “Hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng kể từ ngày phát hành trái phiếu đợt 1/2018” thành “Trái phiếu được hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng kể từ ngày phát hành trừ trường hợp chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc trường hợp khác theo quy định pháp luật”.
207 tỷ đồng thu được từ đợt 1 bán trái phiếu, theo Apax Holdings, sẽ được công ty này sử dụng tới 91% (tương ứng 188,8 tỷ đồng) mua cổ phiếu Anh ngữ Apax (Apax English). Theo Phương án tăng vốn đã được duyệt tại Nghị quyết số 0604/2018/NQ-ĐHCĐ thường niên đầu năm nay, công ty sẽ mua 18.878.584 cổ phiếu Apax English để nâng sở hữu tại công ty này lên 42.169.384 cổ phiếu. Còn lại 18,2 tỷ đồng sẽ bổ sung nguồn vốn lưu động cho các hoạt động của Apax Holdings.
Ngay sau đợt huy động này, Apax Holdings lại vội vã trình kế hoạch phát hành thêm 248 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi (mệnh giá 1 tỷ đồng/TP, kỳ hạn 5 năm). Tiền bán trái phiếu sẽ được công ty rót tới 136,6 tỷ đồng vào một công ty “lạ” – CTCP Phát triển giáo dục IGarten, còn lại 111,4 tỷ đồng bổ sung vốn, năng cao năng lực tài chính.
Có thể thấy, thông qua hai đợt phát hành trái phiếu nêu trên, Apax Holdings đã và đang huy động tổng số 550 tỷ đồng từ các nhà đầu tư. Đồng nghĩa, công ty này sẽ ghi nhận một khoản nợ trái phiếu kèm nghĩa vụ chuyển đổi thành cổ phiếu IBC khi đến hạn trả nợ mà không có khả năng thanh toán.
Nói cách khác, quy mô vốn điều lệ của Apax Holdings có thể sẽ được nâng lên hơn 1.240 tỷ đồng trong tương lai nếu như phải thực hiện in thêm cổ phiếu để chuyển đổi trái phiếu theo cam kết với nhà đầu tư.
Tiền bán trái phiếu “chảy” đi đâu?
Hoạt động huy động vốn đầu tư qua kênh trái phiếu diễn ra khá phổ biến trên thị trường từ lâu, song chỉ những doanh nghiệp có uy tín, năng lực tài chính tốt, có tài sản đảm bảo và khả năng trả nợ… mới có thể bán trái phiếu thành công. Hơn nữa, các doanh nghiệp phải có một tổ chức tài chính trung gian bảo lãnh để thực hiện đánh giá, thẩm định “sức khoẻ” của doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành trái phiếu huy động vốn hay không.
Đối với trường hợp của Apax Holdings, một công ty mới niêm yết trên sàn HoSE cuối năm 2017 với ngành nghề chính là tư vấn, tư vấn giáo dục, giáo dục, đào tạo, cho thuê xe động cơ… đã thực hiện phát hành trái phiếu quy mô lớn 550 tỷ đồng lại đang gây tò mò.
Cần nhắc lại, ngày 26/5/2016 Apax Holdings mới đăng kí giao dịch UpCoM với 6,3 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 63 tỷ đồng. Giá cổ phiếu IBC chào sàn ở mức 5.000 đồng/CP, thanh khoản giao dịch lèo tèo chỉ vài nghìn cổ phiếu nhưng qua hàng chục phiên giao dịch đã tăng lên đỉnh 31.000 đồng/CP, gấp hơn 6 lần giá niêm yết. Cuối năm 2016, Apax Holdings tăng vốn lên mức 310 tỷ đồng và giao dịch sôi động trên HNX.
Nhưng niềm vui chưa tày gang, nhiều nhà đầu tư đã “vỡ mộng” khi giá cổ phiếu IBC rớt thảm tới 50%, chỉ còn hơn 21.000 đồng/CP. Nguyên nhân là do Apax Holdings dính lùm xùm tin xấu, kết quả kinh doanh lẹt đẹt cùng những thông tin kém minh bạch tài chính, đầu tư vốn mù mờ…
Sóng gió tạm lắng, Apax Holdings lại tăng vốn “thần tốc” lên mức 688,8 tỷ đồng, gấp 10 lần vốn ban đầu ngay trước thời điểm chuyển sàn niêm yết sang HoSE vào cuối tháng 12/2017.
Đáng chú ý, ngày 12/4/2017, Apax Holdings đã được cấp chứng nhận cho phép chào bán 30 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/CP) để huy động 300 tỷ đồng, cùng với chào bán đấu giá 7,5 triệu cổ phần (huy động 150 tỷ đồng). Tuy nhiên, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tạm dừng đợt đấu giá này để xác minh những nghi vấn về giá cổ phiếu IBC trên UpCoM có bất thường, làm giá hay không nhằm bảo vệ lợi ích nhà đầu tư…
Số tiền 450 tỷ đồng dự thu từ đợt phát hành sẽ được phân bổ đầu tư mua cổ phần CTCP Anh ngữ Apax English (340,8 tỷ đồng), bổ sung vốn 110 tỷ đồng…
Ông Nguyễn Ngọc Thuỷ, Chủ tịch HĐQT Egroup kiêm Chủ tịch chuỗi Apax English và Chủ tịch Apax Holdings
Chưa rõ, nguồn tiền nào đã đổ vào các đợt tăng vốn cổ phần tới hơn 626 tỷ đồng của Apax Holdings trong vòng 2 năm qua? Vì sao Shinhan Bank “hào phóng” chi 550 tỷ đồng mua trái phiếu công ty này?
Trong khi đó, Apax Holdings lại tiếp tục trở thành “rốn hút tiền” cho Tập đoàn Giáo dục Egroup (sở hữu 71% vốn điều lệ Apax Holdings), để rồi tiền bán trái phiếu, cổ phần lại chảy sang 2 công ty thân hữu (Apax English và IGarten).
Đáng nói, IGarten mới được thành lập ngày 25/11/2016 (trụ sở tại tầng 10 số 14 Láng Hạ, Quận Đống Đa, Hà Nội) do ông Nguyễn Mạnh Phú làm Giám đốc/Người đại diện pháp luật. Địa chỉ trụ sở IGarten cũng trùng với địa điểm đặt một trung tâm tiếng anh của Apax English.
Liệu có mối liên quan nào giữa nhóm liên minh Egroup – Apax English – IGarten mới sinh sau để “hút” nguồn tiền từ Apax Holding huy động vốn qua kênh cổ phiếu, trái phiếu hay không hiện vẫn còn là bí ẩn? (còn nữa)