Bài toán đánh đổi giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế

Theo các chuyên gia, chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng nhà nước nhằm giữ vững ổn định kinh tế cơ bản là thành công. Tuy nhiên nó cũng tạo ra các hiệu ứng phụ, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
ổn định kinh tế

Áp lực lạm phát từ phía cầu đã thúc đẩy ngân hàng nhà nước triển khai các chính sách tiền tệ thắt chặt và chạy đua lãi suất, ổn định kinh tế, tuy nhiên điều này cũng đồng nghĩa với việc nguy cơ suy thoái kinh tế đang gia tăng.

Đó là những vấn đề mà các chuyên gia kinh tế bàn luận tại hội thảo khoa học “Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô” do Tạp chí kinh tế Việt Nam tổ chức.

Siết chặt chính sách tiền tệ

Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế nhận định ngân hàng nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ tương đối tốt và đạt được một số thành quả nhất định. Việc tăng lãi suất sẽ góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng học viện ngân hàng TP.HCM nhận xét: “Trong thời gian vừa qua, tỷ giá được đảm bảo linh hoạt, đồng thời nhà nước khuyến khích khắc phục xuất nhập khẩu, can thiệp vừa đúng, vừa đủ, kịp thời, đảm bảo nguồn cung ổn định, phù hợp nhu cầu thực tế.”

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1809/QĐ-NHNN điều chỉnh tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 6,0%/năm lên 7,0%/năm.

Sau quyết định tăng mạnh lãi suất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ, tăng từ ±3% lên ±5% sau 7 năm. Việc nới biên độ tỷ giá giúp chính sách tiền tệ linh hoạt hơn, giảm bớt áp lực cho điều hành.

Trong bối cảnh cả thế giới đang đối mặt với dịch bệnh và lạm phát, nền kinh tế Việt Nam và đặc biệt là các doanh nghiệp cũng phải chịu ảnh hưởng. Nhờ có sự can thiệp kịp thời của ngân nhà nước, nền kinh tế nước ta đã có những bước phục hồi tích cực.

ổn định kinh tế

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, GDP của quý 3 năm nay tăng trưởng 13,67%, góp phần đưa số liệu GDP 9 tháng đầu năm đạt mức cao nhất giai đoạn 2011-2022. Chính phủ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tăng lãi suất, bình ổn giá là biện pháp tối ưu để tránh biến động tỷ giá, từ đấy ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát. Với kỹ thuật quản lý thị trường của Ngân hàng Nhà nước, việc siết chặt chính sách tiền tệ là biện pháp khách quan và hiệu quả trong thời điểm hiện tại.

Vòng xoáy suy thoái kinh tế

Quý III/2022 nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao, tuy nhiên các chuyên gia kinh tế nhận định với các chính sách thắt chặt tiền tệ như hiện nay thì trong cuối năm 2022 và năm 2023 nền kinh tế trong nước sẽ đi xuống.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 là 7% (tăng so với mức dự báo 6% tại thời điểm 16/5/2022) và năm 2023 là 6,7% (đã giảm so với mức dự báo 7,2% vào thời điểm 16/5/2022).

Động thái tăng lãi suất của ngân hàng nhà nước nhằm giữ vững ổn định nền kinh tế vĩ mô sẽ tạo ra các hiệu ứng phụ và các tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Tại hội thảo khoa học“Điều hành tỷ giá USD/VND: Ổn định kinh tế vĩ mô” các chuyên gia cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay là vừa ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát đồng thời duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Việc thắt chặt các chính sách tiền tệ, tăng lãi suất dẫn đến hàng loạt khó khăn cho sản xuất lẫn tiêu dùng.

Lãi suất cao, không tiếp cận được nguồn vốn, doanh nghiệp rất khó để tồn tại dẫn đến nguy cơ mất việc làm. Bên cạnh đó, hiện nay một số công ty FDI cũng đang có xu hướng chuyển lợi nhuận về công ty mẹ.

Ngoài ra, nợ xấu tăng cũng khiến cho rủi ro hệ thống ngân hàng tăng cao, kéo theo rủi ro nợ công và các vấn đề an sinh xã hội khác.

Giá xăng dầu, lương thực, thép, phân bón… trên thế giới có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng với tình hình địa chính trị phức tạp như hiện nay rất khó để dự báo. Việc thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn đến hàng loạt khó khăn đình đốn sản xuất, giảm đầu tư, nợ xấu do đó có thể dẫn đến nguy cơ rơi vào vòng xoáy suy thoái kinh tế.

Ông Nguyễn Hữu Huân, ĐH Kinh tế TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Khi những áp lực về ngoại tệ, mức lạm phát được kiểm soát, ngân hàng nhà nước nên xem xét nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đây thực sự là bài toán đánh đổi giữa tăng trưởng và ổn định kinh tế”.

Có thể bạn quan tâm