Đổi mới thể chế, điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn

Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là rất quan trọng.
Đổi mới thể chế, điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn

Việc xây dựng Chương trình hành động phải theo hướng “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để triển khai đồng bộ, toàn diện, có lộ trình phù hợp, lựa chọn ưu tiên để thực hiện.

Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí để tăng cường phân cấp, phân quyền

Tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình KT-XH tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021. Chính phủ thống nhất nhận định, trong 4 tháng đầu năm 2021, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển tốt, xu hướng phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt (thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay); xuất khẩu, thu hút đầu tư, thu ngân sách đạt được nhiều kết quả tích cực; an sinh xã hội, đời sống nhân dân ổn định, cơ bản có bước cải thiện; công tác khắc phục hậu quả bão lũ năm 2020 được triển khai tốt;…

Tuy nhiên, chúng ta còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán của dịch COVID-19, tác động đến toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước; chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ, tài khóa có những kết quả tích cực song nhiều chỉ số chúng ta còn chưa yên tâm; nhiều tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết; còn có sự mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo về thể chế làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh, đây là những vấn đề phải tập trung giải quyết; tình hình đầu tư công có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm; một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; an ninh trật tự nổi lên vấn đề nhập cảnh, lưu trú trái phép, cần kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định…

“Bên cạnh những tín hiệu tốt, tích cực, nhưng chúng ta vẫn còn nhiều lo lắng, đề nghị các thành viên Chính phủ nhận thức rõ vấn đề này. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, mỗi bộ, mỗi ngành, địa phương phải chủ động, tích cực xử lý những vấn đề còn hạn chế, làm tốt hơn nữa nhiệm vụ trong tháng 5 và thời gian tới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Theo dự báo, nước ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn, thách thức, nhất là những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và để hoàn thành “mục tiêu kép”, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những vấn đề cần ưu tiên để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới; xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí trong quản lý nhà nước để tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.

Điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế. Tích cực tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung khắc phục hậu quả, xử lý sớm 12 dự án yếu kém, thua lỗ. Các bộ, ngành, địa phương bằng các giải pháp cụ thể và với tinh thần trách nhiệm của mình quan tâm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, không để tồn đọng; giải ngân bảo đảm tiến độ nhưng phải bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các dự án tăng cường đầu tư cho khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, Tây Nguyên và các khu vực kinh tế trọng điểm, nhất là trong lĩnh vực giao thông để phát huy các nguồn lực ở các khu vực này, phải quyết tâm đầu tư vào đây theo hướng huy động nguồn vốn xã hội; lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia an toàn, hiệu quả, tiết kiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và gia đình thí sinh.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, sớm đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP năm 2020 và đề xuất biện pháp hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 hiệu quả, thiết thực. Phải xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện được hỗ trợ và thảo luận, công bố công khai các tiêu chuẩn, tiêu chí này. Bổ sung các chính sách phù hợp cho các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, không để ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, nhất là những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng về công tác cán bộ; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; chú trọng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên…

Giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài lâu năm

Đề cập đến công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất là phải bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp, bảo đảm an toàn về mọi mặt, thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, đồng thời phải chọn được người đủ tiêu chuẩn, điều kiện, có phẩm chất, năng lực, uy tín làm đại biểu của nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có các kịch bản phù hợp với mọi tình huống.

Về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Chương trình này là rất quan trọng. Việc xây dựng Chương trình hành động phải theo hướng “bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo” để triển khai đồng bộ, toàn diện, có lộ trình phù hợp, lựa chọn ưu tiên để thực hiện.

Chương trình hành động phải linh hoạt, khả thi, thiết thực, hiệu quả, phải dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, kiểm tra, đánh giá, với tinh thần “càng khó, càng phức tạp, càng nhạy cảm thì càng phải giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, quyết định theo đa số”.

Trong đó, lưu ý những nội dung trọng tâm về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, trong bối cảnh gặp khó khăn, thách thức về già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần là tăng cường quản lý Nhà nước, tập trung vào xây dựng chiến lược, kế hoạch, thể chế, cơ chế chính sách và tăng cường kiểm tra giám sát.

Về báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, quan trọng nhất là chỉ ra việc làm được, chưa được và nguyên nhân chủ quan, khách quan, nhất là nguyên nhân chủ quan, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phục vụ cho sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề tồn đọng kéo dài lâu năm.

“Nguồn lực có ít, thời gian có hạn, năng lực hạn chế, yêu cầu thì cao đòi hỏi chúng ta phải cân đối hài hòa, hợp lý”, Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ để hoàn thiện các báo cáo, trình cấp có thẩm quyền.

Về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, chỉnh lý dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Về đề nghị xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chính phủ cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật. Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn thiện theo đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 20/5/2021.

Xem thêm

Gói hỗ trợ tín dụng khó tiếp cận, tín dụng đen thừa cơ?

Gói hỗ trợ tín dụng khó tiếp cận, tín dụng đen thừa cơ?

Sau một thời gian liên tục bị cơ quan chức năng “tuýt còi”, triệt xóa, người dân cũng đã phần nào cảnh giác nhưng trong tình hình dịch Covid-19 kéo dài dẫn đến cuộc sống gặp nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng đen đã bắt đầu hoạt động trở lại.

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...