“Báo động đỏ” tại Xi măng Xuân Thành

Nợ phải trả chiếm 70% tổng tài sản, lỗ hơn 30,6 tỷ đồng trong năm 2022, dư nợ trái phiếu tăng mạnh, giảm biên độ lãi suất trái phiếu…là những vấn đề đang hiện hữu tại Xi măng Xuân Thành.
“Báo động đỏ” tại Xi măng Xuân Thành

Công ty Cổ phần Xi măng Xuân Thành vừa công bố thông tin tài chính định kỳ cho kỳ kế toán năm 2022 với nhiều thông tin đáng chú ý.

Kinh doanh thua lỗ, ngập trong nợ nần

Trong năm 2022, Xi măng Xuân Thành ghi nhận khoản lỗ sau thuế hơn 30,6 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 296 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 23.234 tỷ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm; vốn chủ sở hữu ghi nhận tăng 9,07% lên 6.836,2 tỷ đồng.

Tổng tài sản, vốn chủ sở hữu tăng trưởng nhưng tổng nợ phải trả của Xi măng Xuân Thành cũng “thuận chiều” khi tăng từ hơn 14.100 tỷ đồng hồi đầu năm lên 16.400 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp 2,4 lần vốn chủ sở hữu.

Trong số nợ phải trả, có hơn 2.100 tỷ đồng nợ trái phiếu, tăng gần 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đây là giá trị của 2 lô trái phiếu XTCCH2136001 và XTCCH2136002.

Cả 2 lô trái phiếu này đều được phát hành thành 4 đợt từ ngày phát hành đầu tiên 23/3/2021 đến 27/12/2021, lãi suất phát hành là 10,5%/năm , cùng đáo hạn vào tháng 2/2036 (15 năm). Đáng chú ý, bên mua của 6/8 đợt phát hành đều được ghi nhận là “một tổ chức tín dụng”.

Lãi suất đối với mỗi kỳ lãi suất sau sẽ bằng lãi suất tham chiếu (bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm dân cư kỳ hạn 24 tháng của MB và lãi suất huy động tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân kỳ hạn 24 tháng của TPBank, là các đơn vị tư vấn và phát hành cho 2 lô trái phiếu này) của kỳ tính lãi đó cộng với biên độ lãi suất (3,5%/năm hoặc tối thiểu 4,5%/năm).

Tài sản đảm bảo cho 2 lô trái phiếu này giống nhau, đều là tài sản gắn liền với bất động sản và quyền tài sản liên quan đến dự án. Ngoài ra còn có cổ phần thuộc sở hữu của các cá nhân, tổ chức và các biên pháp khác.

Mục đích phát hành là nhằm tài trợ chi phí xây dựng, lắp đặt và mua sắm máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất clinker thuộc dự án đầu tư xây dựng dây chuyền số 3 – giai đoạn 1 nhà máy xi măng Xuân Thành với công suất 4,5 triệu tấn xi măng/năm tại xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam.

xi măng xuân thành
Nhiều vấn đề trong sức khỏe tài chính của Xi măng Xuân Thành đang ngày càng lộ rõ

Trong năm 2022, Xi măng Xuân Thành đã chi ra 202,8 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu. Đáng chú ý, vào cuối tháng 3/2023, những người sở hữu trái phiếu XTCCH2136001 đã phải chấp thuận giảm biên độ lãi suất lô trái phiếu này từ 3,5%/năm xuống 3%/năm. Thời gian áp dụng đến ngày 5/8/2023.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa vào tầm ngắm

Không chỉ gặp những vấn đề liên quan đến tài chính, Xi măng Xuân Thành còn gặp khó với các cơ quan chức năng khi “lọt” danh sách thanh tra về môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa công bố kế hoạch thanh tra năm 2023 về việc thực hiện đề tài, đề án, dự án có nguồn kinh phí đầu tư lớn và việc thực hiện đề tài, đề án, dự án chưa được quyết toán hoàn thành (tính đến năm 2021); thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng tại một số đơn vị.

Theo kế hoạch thanh tra, cơ quan thanh tra cũng sẽ làm rõ việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước tại một số cơ sở có lưu lượng khí thải, bụi lớn và cơ sở y tế tại TP.HCM, Hải Dương, Hà Nam và Bình Dương.

Trong đó có hàng loạt các công ty xi măng như Công ty Cổ phần xi măng Xuân Thành, Công ty Cổ phần xi măng Vicem Bút Sơn, Công ty Cổ phần xi măng Thành Thắng Group, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch…

Được biết, Xi măng Xuân Thành nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Xuân Thành (Xuân Thành Group) gồm ba nhà máy xi măng tại Quảng Nam, Hà Nam, Bình Phước, được thành lập năm 2012. Nhà máy Xi Măng Xuân Thành – Hà Nam có tổng công suất đến thời điểm hiện tại là 5,5 triệu tấn xi măng/năm/hai dây chuyền.

Công ty do ông Nguyễn Xuân Thủy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ông Thủy là em trai của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy), Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LPBank), đồng thời cũng là người sáng lập Công ty Cổ phần Thaiholdings.

Ngoài ông Thụy, ông Thủy còn có 1 người anh khác là ông Nguyễn Văn Thiện gắn liền với Xuân Thiện Group, doanh nghiệp chuyên đầu tư các lĩnh vực về điện và xi măng, truyền thông… Ông Thiện là vị doanh nhân kín tiếng nhất của nhà Xuân Thành.

Hiện, lượng cổ phần chi phối tại Xi măng Xuân Thành do Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và phát triển Xuân Thành, một pháp nhân trong hệ sinh thái Xuân Thành Group. Cơ cấu cổ đông của Xi măng Xuân Thành cũng có sự góp mặt của 3 cá nhân khác đều là người nhà của Xuân Thành Group là ông Nguyễn Xuân Thủy, bà Tống Thị Kiều Hoa, ông Nguyễn Đức Hạnh.

Trong năm 2021, ông Nguyễn Xuân Thủy và bà Tống Thị Kiều Hoa đã thế chấp 15,04% cổ phần Xi măng Xuân Thành tại một nhà băng trong nước. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Hạnh thế chấp 3,76% cổ phần Xi măng Xuân Thành.

Hoạt động kinh doanh của Xi măng Xuân Thành thua lỗ trong khi phần lớn các doanh nghiệp ngành xi măng  đều kinh doanh có lãi. Thậm chí có doanh nghiệp ngành xi măng còn báo lãi năm 2022 tăng trưởng so với cùng kỳ như xi măng Hoàng Mai, xi măng Bút Sơn, xi măng Quán Triều.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công

Nhà đầu tư có thể chọn lọc giải ngân ở những cổ phiếu củng cố hỗ trợ thành công, thu hút dòng tiền tốt với thanh khoản mua chủ động gia tăng ổn định và chuẩn bị bước vào nhịp tăng điểm ngắn hạn, thuộc một số nhóm ngành như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thủy sản...

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

VN-Index có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm

Với thanh khoản sụt giảm, VN-Index có thể tiếp tục quán tính giảm trong những phiên tới và lùi xuống dưới đường SM50. Trong trường hợp tiêu cực, chỉ số có thể giảm sâu về ngưỡng 1.240 điểm...

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

Sóng nâng hạng mở đường cho VN-Index vượt vùng đỉnh 1.449 điểm

VN-Index có thể bứt phá lên vùng 1.378 – 1.535 điểm nhờ dòng tiền ngoại quay trở lại mạnh mẽ sau thời gian bán ròng kỷ lục trong năm 2024. Với đà tăng này, VN-Index được kỳ vọng sẽ vượt qua vùng tích lũy của năm 2024 và tiến gần tới vùng đỉnh lịch sử 1.449 điểm vào cuối năm 2025...