Bảo hiểm tiền gửi bao nhiêu thì vừa?

Câu chuyện người gửi tiết kiệm sẽ chỉ được trả tối đa 75 triệu đồng khi ngân hàng phá sản, khiến dư luận đặt ra câu hỏi bảo hiểm tiền gửi có nên bảo hiểm toàn bộ tiền gửi gốc hay không và nếu không th
Bảo hiểm tiền gửi bao nhiêu thì vừa?

Có nên bảo hiểm toàn bộ tiền gửi gốc hay không?

Có đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng câu trả lời là “nên”, vì đó là quyền lợi của người dân. Có chuyên gia bảo là “không”, vì gửi tiền thì cũng có thể coi như một hình thức đầu tư, phải có rủi ro nên không thể bảo hiểm toàn bộ tiền gửi được. Vậy nên tiếp cận vấn đề này như thế nào?

Một trong những cách tiếp cận là nhìn vào bảo hiểm tiền gửi như một công cụ để đảm bảo lợi ích của công chúng. Công chúng ở đây bao gồm toàn bộ người dân trong xã hội, bất kể số tiền gửi trong ngân hàng của họ là bao nhiêu.

Nếu bảo hiểm toàn bộ tiền gửi thì về mặt lý thuyết truyền thống là không nên. Vì nếu bảo hiểm hết tất cả vốn gốc tiền gửi ở ngân hàng (có đề xuất là cả lãi nữa) thì người dân sẽ chỉ chọn ngân hàng nào có lãi suất cao mà gửi (vì nếu ngân hàng phá sản thì họ sẽ được đền bù hết mà).

Kết quả là ngân hàng làm những cú “áp phe” rủi ro nhất, làm liều nhất, đẩy lãi suất lên những mức cao vô lý nhất sẽ thu hút được nhiều tiền nhất. Và khi ngân hàng đó lâm vào khó khăn thì Chính phủ chắc chắn phải bỏ ra nguồn lực rất lớn để cứu nó hoặc phải chuẩn bị một số tiền lớn để trả lại toàn bộ tiền gửi và hỗ trợ thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Tình trạng này gọi là rủi ro đạo đức (moral hazard) vì người có nhiều tiền gửi ở ngân hàng sẽ tận dụng lỗ hổng của hệ thống để kiếm lợi lớn nhất cho mình mà không cần phải quan tâm, đánh giá ngân hàng mình gửi tiền có thật sự đáng tin cậy hay không. Vì lý do rủi ro đạo đức này nên nếu bảo hiểm tiền gửi toàn bộ thì kết quả là ngân hàng rủi ro nhất sẽ trở thành rủi ro lớn nhất và chi phối toàn hệ thống, đồng thời bắt Chính phủ làm “con tin” cho những phi vụ đầy mạo hiểm của mình.

Ngược lại, nếu bảo hiểm tiền gửi quá thấp thì sẽ tạo ra nguy cơ người gửi tiền không còn tín nhiệm hệ thống ngân hàng nữa và tiền của dân sẽ chảy sang những kênh phi chính thống như vàng, ngoại tệ, tiền mã hóa (như bitcoin) hoặc ngân hàng ngầm (shadow banking). Hệ thống ngân hàng trở nên tê liệt, kênh vốn tài chính chính thống trong nền kinh tế sẽ trở nên méo mó và tình trạng găm giữ ngoại tệ, bán tháo đồng nội tệ sẽ tăng lên.

Vì vậy, lý thuyết truyền thống cho rằng không nên bảo hiểm toàn bộ vốn và lãi tiền gửi cho người gửi tiền, nhưng cũng không nên đặt nó ở mức quá thấp. Có một điểm tối ưu về số tiền tối đa nên được bảo hiểm mà ở đó lợi ích của toàn xã hội sẽ được tối ưu hóa.

75 triệu đồng là quá thấp

Đáng tiếc là các lý thuyết về bảo hiểm tiền gửi không chỉ ra được mức bảo hiểm tối ưu là bao nhiêu. Thiết kế một cấu trúc bảo hiểm tiền gửi tối ưu là bài toán rất khó của kinh tế học. Nhiều kinh tế gia ở Mỹ thường chỉ trích cơ quan bảo hiểm tiền gửi (FDIC) của Mỹ đưa ra mức bảo hiểm tiền gửi tối đa ở một ngân hàng cho một người gửi tiền (hiện tại là 250.000 đô la Mỹ, tức gấp khoảng 4,4 lần bình quân GDP đầu người của Mỹ - vốn vào khoảng 57.000 đô la Mỹ) mà không có lý do đáng thuyết phục nào cả. Tương tự, chúng ta cũng không rõ con số 75 triệu đồng của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (chỉ chưa tới hai lần thu nhập bình quân đầu người Việt Nam - theo Ngân hàng Thế giới là khoảng 2.000 đô la Mỹ) được ước tính như thế nào.

Nhưng với tính tiết kiệm cao của người Việt và thực tế mạng lưới an sinh xã hội hiện nay của nước ta còn yếu thì tỷ lệ bảo hiểm tiền gửi tối đa trên thu nhập bình quân đầu người của người Việt Nam chưa bằng một nửa so với ở Mỹ là quá thấp. Làm sao dân có thể tin vào ngân hàng ở mức bảo hiểm tiền gửi này?

Thực tế khủng hoảng tài chính ngân hàng ở Mỹ, Anh và châu Âu gần đây và những phát triển mới trong kinh tế học chỉ ra rằng vấn đề niềm tin (trust) là mấu chốt trong nhiều vấn đề. Các chủ thể trong nền kinh tế sẽ không hợp tác và giao dịch với nhau nữa nếu thiếu niềm tin. Khủng hoảng niềm tin có thể đánh sụp toàn bộ hệ thống ngân hàng, bất kể ngân hàng tốt hay ngân hàng xấu.

Dựa vào khuôn khổ đó, tôi đồng tình với quan điểm của tác giả Vũ Quang Việt trong một bài báo gần đây trên TBKTSG, rằng “vấn đề quan trọng là bảo vệ sự tín nhiệm của hệ thống ngân hàng và qua đó bảo vệ sự tín nhiệm của đồng tiền”. Những con số nợ xấu và những đại án ngân hàng gần đây đang đẩy chúng ta tới gần với khủng hoảng niềm tin vào hệ thống ngân hàng và chúng ta không thể mạo hiểm làm mất niềm tin của dân vào hệ thống ngân hàng hơn nữa.

Từ những phân tích trên, tôi đi đến hai kết luận: (1) vẫn không thể bảo hiểm 100% tiền gửi vì rủi ro đạo đức có thể khiến những ngân hàng rủi ro nhất nhưng “chơi trội” trả lãi suất cao nhất và bắt toàn hệ thống làm con tin; (2) nhưng mức bảo hiểm 75 triệu đồng rõ ràng là quá thấp và không đảm bảo ổn định niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Con số 75 triệu đồng đã lạc hậu với mức mất giá của tiền đồng so với một gói chi phí cơ bản của nền kinh tế hiện tại (bao gồm chi phí y tế và giáo dục đang tăng rất nhanh), thu nhập người dân và cũng không phù hợp với tính tiết kiệm cao của người Việt Nam.

Vì vậy mạnh dạn đặt mức bảo hiểm tối đa cho mỗi người gửi tiền ở một ngân hàng cao hơn mức 75 triệu đồng hiện tại là mấu chốt đầu tiên để tái lập niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Con số cụ thể nên là bao nhiêu không có một chỉ dấu nào rõ ràng về mặt lý thuyết và thực tế của các nước. Nhưng nói như kinh tế gia Lương Tuấn Anh ở Đại học De Montfort mà tôi có dịp thảo luận về chủ đề này gần đây thì mức cụ thể ra sao không quan trọng bằng việc nó phải cao để đủ tạo lòng tin vì nó là vấn đề kinh tế học hành vi rồi, không phải là chuyện tối ưu hóa bằng toán cổ điển nữa.

Dựa vào các số liệu thống kê tiền gửi ở các ngân hàng, nếu các chuyên gia ngân hàng nhiều kinh nghiệm và các chuyên gia kinh tế ngồi lại với nhau nhìn vào các con số thật (chứ không phải số báo cáo lập lờ) thì sẽ không khó để đi đến một ước lượng “tàm tạm” thế nào là tương đối cao để mà áp dụng, không cần phải quá cầu toàn. Nếu cần thì chúng ta nhờ thêm vài chuyên gia quốc tế có uy tín tham gia để làm tăng độ tín nhiệm của con số bảo hiểm tiền gửi.

Quan trọng nhất là tiến trình này phải nhanh và dứt khoát chứ không “cãi đi cãi lại” giữa các bên nữa. Nếu tiếp tục kéo dài, người gửi tiền sẽ nghĩ rằng “mấy ông này không có năng lực”, “ngân hàng không có an toàn” rồi đi rút tiền thì nguy mất.

Theo Hồ Quốc Tuấn/ Đại học Bristol, Anh/ TBKTSG

>> Băn khoăn hạn mức bảo hiểm tiền gửi

Có thể bạn quan tâm