Số thu phí thực tế qua kết quả kiểm tra, giám sát đột xuất trên tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ lên tới 2 tỷ đồng/ngày, cao hơn số thu bình quân 1,2 tỷ đồng được công bố trước đây.
- Yêu cầu xử lý khoản phí "ông trùm BOT" Tasco đã lỡ thu tại trạm Mỹ Lộc
- Các đại gia BOT "đút túi" trăm tỷ nhờ mở trạm thu phí
- Tố chủ đầu tư BOT cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ gian lận thu phí
- Do thiếu minh bạch nên có sự bên trọng, bên khinh trong các dự án BOT
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa kết thúc đợt giám sát, kiểm tra đột xuất kéo dài 10 ngày (từ 18h ngày 10/7 đến 18h ngày 20/7/2016) công tác thu phí tại các trạm thu phí đường bộ trên tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ khai thác quản lý.
Kết quả cho thấy, trong 10 ngày kiểm tra tổng mức thu phí thực tế vé lượt qua trạm BOT là trên 17,5 tỷ đồng, trong đó có ngày lên tới gần 2 tỷ đồng.
Đó là chưa kể số thu vé tháng 7 và số thu vé quý III do Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ đã thu trước đó, lần lượt là 5,1 tỷ đồng và 5,77 tỷ đồng. Như vậy, mức thu phí bình quân qua trạm thu phí này lên tới gần 2 tỷ đồng mỗi ngày, cao hơn nhiều so với con số 1,2 tỷ đồng mà Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) - một trong những cổ đông của Công ty CP BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, tiết lộ hồi tháng 5. Ngoài tiết lộ về số thu phí “khủng”, Cienco 1 còn “tố” nhiều gian lận trong hoạt động thu phí tại trạm BOT này.
Kết quả kiểm tra đột xuất của đoàn thanh tra Tổng cục Đường bộ cho thấy số thu phí thực tế qua trạm Pháp Vân - Cầu Giẽ bình quân gần 2 tỷ đồng mỗi ngày. Ảnh: Báo Giao thông |
Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát tại trạm BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ trong vòng 10 ngày giữa tháng 7, đoàn thanh tra của Tổng cục Đường bộ cho biết không phát hiện ra sai phạm lớn, cũng như gian lận trong công tác thu phí tại trạm BOT này, ngoại trừ một số sai lệch nhỏ.
Đơn cử, số thu của một làn có một số trường hợp nhiều hơn và được xé vé bổ sung (cao nhất là 150.000 đồng một lần và thấp nhất là 5.000 đồng một lần). Số tiền chưa đủ mệnh giá vé thu nộp quỹ và hạch toán vào thu khác. Nguyên nhân theo đoàn thanh tra là do lái xe không nhận lại tiền thừa khi nhân viên trả lại.
Trường hợp số thu ngân thấp hơn doanh thu qua thiết bị hậu kiểm nhiều nhất là 50.000 đồng một làn. Cả trạm một ca chênh lệch nhiều nhất là 500.000 đồng và đều được lập biên bản xác định nguyên nhân chủ yếu do thiết bị đọc 2 lần một biển số xe hoặc không xác định được biển số xe.
Tuy cho rằng công tác thu phí tại trạm phí BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ là công khai, số thu đúng thực tế, và có một vài sai lệch nhỏ, nhưng đoàn thanh tra của Tổng cục Đường bộ vẫn yêu cầu Công ty CP BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ tổ chức kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác thu phí trên trạm này.
Trước đó, vào tháng 5/2016, Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 đã phát đi thông cáo phản ánh công tác thu phí tại dự án này có nhiều điểm chưa hợp lý, gian lận. Tuyến đường với mật độ phương tiện cao nhưng doanh thu thu phí hàng tháng trung bình 35 tỷ đồng, khoảng 1,2 tỷ đồng một ngày, đặc biệt có tháng 2/2016 là tháng dịp Tết Nguyên đán, phương tiện đông hơn lại thấp hơn những tháng bình thường.
|