Thành lập từ năm 1994, Tập đoàn Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp tiêu dùng nhanh (FMCG) lớn nhất Việt Nam, cạnh tranh sòng phẳng với các đại gia nước ngoài tiêu biểu như Suntory Pepsi hay Coca-Cola.
Tuy nhiên, bên cạnh danh tiếng thị trường ấy, Tân Hiệp Phát hay Dr Thanh cũng bất đắc dĩ nổi danh bởi sự cố “ruồi trong chai nước ngọt”, hay mất gần 6.000 tỷ đồng trong vụ Ngân hàng Xây Dựng, và gần nhất là trong scandal cho vay nặng lãi.
Chỉ cần gõ từ khoá "Tân Hiệp Phát" trên Google, ngay lập tức công cụ tìm kiếm này đưa ra các gợi ý mà người dùng thường sử dụng để tìm kiếm về thương hiệu này như: "Tân Hiệp Phát lừa đảo", "Tân Hiệp Phát cho vay nặng lãi" "Tân Hiệp Phát con ruồi"... và thì chỉ sau 0,5 giây đã trả về tới hơn 34 triệu kết quả.
Rắc rối và tai tiếng trên nhiều lĩnh vực, có tính liên tục, cho thấy hoạt động của chuỗi Tân Hiệp Phát khá thiếu tính định hướng, thậm chí là tùy hứng. Đặc trưng ấy sẽ kéo theo sự yếu kém, thiếu hiệu quả của công tác truyền thông tại doanh nghiệp này.
Đầu tư “phong cách Tân Hiệp Phát”
Theo số liệu kinh doanh của nhóm các công ty Tân Hiệp Phát, doanh thu giai đoạn 2014-2017 của tập đoàn này đạt khoảng gần 7.000 tỷ đồng/năm, sau đó tăng lên 8.300 tỷ đồng vào năm 2018 và tăng tiếp lên 9.200 tỷ đồng năm 2019.
Về lợi nhuận, Tân Hiệp Phát báo lãi khoảng trên dưới 1.000 tỷ đồng giai đoạn 2014-2016, sau đó tăng lên 2.000 tỷ đồng năm 2018 và 3.300 tỷ đồng năm 2019.
Doanh thu Tân Hiệp Phát tương đương Coca-Cola và bằng 1/2 so với Suntory Pepsi, nhưng lợi nhuận lại bỏ xa cả 2 đối thủ.
Thông tin tỷ suất sinh lời vượt trội doanh nghiệp cùng ngành cho thấy hai khả năng, một là có thể Tân Hiệp Phát đã khai báo “thật” các chỉ số hoạt động và lợi nhuận, hoặc hai là có thể các doanh nghiệp nước ngoài đã chuyển giá để giảm lợi nhuận và để giảm nộp cho ngân sách nhà nước.
Lợi nhuận tốt là cơ sở để gia đình ông Trần Quý Thanh mở rộng đầu tư sang các mảng kinh doanh khác. Năm 2018, ông Trần Quý Thanh gây chú ý khi tuyên bố "chơi lớn" ở lĩnh vực bất động sản, và coi đây là chiến lược kinh doanh mới của tập đoàn.
Ngay sau đó, Tân Hiệp Phát đã thành lập hơn 20 doanh nghiệp vốn điều lệ 20.000 tỷ đồng để hiện thực hoá kế hoạch tỷ đô ở lĩnh vực địa ốc.
Trong đó, nhiều công ty có vốn điều lệ lên tới hàng nghìn tỷ đồng như Công ty Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền (vốn 3.830 tỷ), Công ty Đầu tư Bất động sản HBT (vốn 1.500 tỷ), Công ty Đầu tư Bất động sản HTK (1.500 tỷ), Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản MDC (1.500 tỷ), Công ty Long Châu Thành (1.500 tỷ), Công ty Đầu tư và Phát triển Bầu Trời Xanh (1.500 tỷ), Công ty Đầu tư và Phát triển Bất động sản Nam Thiên Thanh (1.500 tỷ), Tân Quý Thanh (1.500 tỷ), Hồng Thiên Mã (1.500 tỷ), Công ty TNHH Đầu tư Quang Vinh (1.200 tỷ), Công ty Đầu tư Bất động sản Century Bay Đà Nẵng (772 tỷ), Number One Quang Vinh (300 tỷ)…
Đáng chú ý, Tân Hiệp Phát đã đẩy mạnh chương trình đầu tư, thâu tóm nhiều khu đất Nhà nước hoặc ngân hàng đấu giá, hoặc của tư nhân, doanh nghiệp, tại nhiều tỉnh thành đang thu hút đầu tư như Đà Nẵng, TP. HCM và Vũng Tàu.
Tuy nhiên, ngoài hoạt động đẩy mạnh mua vào, hiện chưa thấy chuỗi doanh nghiệp bất động sản thuộc Tân Hiệp phát công bố triết lý đầu tư chủ yếu hướng vào phân khúc bất động sản nào.
Thay vào đó, chuỗi doanh nghiệp này và các cá nhân trong tập đoàn Tân Hiệp Phát đang “trình làng” khẩu vị đầu tư khá lộn xộn, vội vàng, mua vào từ đất nền, cho tới M&A doanh nghiệp, một phần dự án, và cả đất khu công nghiệp…
"Thừa giấy vẽ voi"?
Thực tế, việc chuyển hướng sang đầu tư bất động sản là hoạt động bình thường của nhiều doanh nghiệp. Với doanh nghiệp dư dả tiền mặt như Tân Hiệp Phát lại càng bình thường khi đầu tư sang bất động sản. Tuy nhiên, đầu tư rất lớn mà lại thành “mua” thêm tai tiếng như Tân Hiệp Phát, thì lại là điều bất ổn.
Hiện, một số khu đất liên quan tới Tân Hiệp Phát hiện cũng đang chịu yêu cầu tạm dừng để xem xét lại thủ tục liên quan tới đấu giá.
Trong khi đó, mới đây, Bộ Công an đã đề nghị Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo tạm dừng biến động và cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý đối với 33 thửa đất tại quận Thủ Đức và Bình Tân đứng tên Trần Uyên Phương – ái nữ của ông Trần Quý Thanh – để phục vụ điều tra, xác minh. Cơ quan điều tra yêu cầu TP.HCM gửi tài liệu hồ sơ trước ngày 5/12.
Trước đó, có thông tin ngày 9/11, Bộ Công an để nghị UBND tỉnh Đồng Nai tạm dừng mọi biến động đối với Công ty CP Bất động sản Minh Thành và dự án Khu dân cư tại xã An Phước, huyện Long Thành. Lý do việc tạm dừng này là để phục vụ việc điều tra, xác minh theo đơn của ông Lê Văn Lâm – Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Kim Oanh Đồng Nai (Kim Oanh Đồng Nai).
Theo đó, ông Lâm tố cáo các cá nhân thuộc Tân Hiệp Phát đã có hành vi trốn thuế và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" 1.000 tỷ đồng. Cụ thể, phía Kim Oanh Đồng Nai đã vay 350 tỷ đồng với lãi suất 3%/tháng từ gia đình bà Trần Ngọc Bích, Trần Uyên Phương, “thế chấp” bằng hợp đồng giả cách chuyển nhượng cổ phần tại Công ty Minh Thành Đồng Nai và dự án Khu dân cư tại xã An Phước. Tuy nhiên, nhưng khi phía Kim Oanh Đồng Nai trả tiền thì không được chấp nhận và bị chiếm đoạt dự án.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Chung (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM), cũng phát đơn tố cáo bà Trần Uyên Phương và ông Nguyễn Phi Long cho vay 35 tỷ với lãi suất 3%/năm, bắt ký hai hợp đồng giả cách chuyển nhượng, sau đó chiếm đoạt hai khu đất trị giá gần 200 tỷ của ông. Sự vụ hiện cũng đang được điều tra.
Những diễn biến, vấn đề pháp lý, dấu hiệu “cho vay nặng lãi” liên quan tới các thành viên của Tân Hiệp Phát sẽ được trình bày trong các bài viết khác.
Tuy nhiên, đặc điểm có thể nhận thấy từ các đơn tố cáo này là “khách hàng” tố Tân Hiệp Phát đều gặp vấn đề rất lớn về thanh khoản, nên đều tìm cách huy động vốn từ nguồn ngoài ngân hàng. Và đều tự giác ký kết các hợp đông chuyển nhượng cổ phần, hay tài sản. Các hợp đồng này đều là hợp pháp và vì thế đều nhanh chóng được cơ quan nhà nước công nhận. Nói cách khác, nếu là hợp đồng giả cách, các “khách hàng” của thành viên Tân Hiệp Phát cũng khó tránh khỏi liên lụy trách nhiệm.
Hiện, chưa có các tài liệu, chứng cứ có giá trị pháp lý chứng minh hành vi cho vay nặng lãi của các thành viên liên quan tới Tân Hiệp Phát được công bố. Tuy nhiên, việc vội vã đầu tư vào đất nền, đất dự án này cho thấy dường như các thành viên của tập đoàn này đang bối rối với việc có quá nhiều tiền thuộc sở hữu của mình.
Sau cú sốc mất gần 6.000 tỷ tại Ngân hàng Xây dựng, có thể Tân Hiệp Phát và các thành viên của mình vẫn chưa tìm ra cách nào tiêu tiền hiệu quả hơn kênh gửi ngân hàng.
Đó là điều thực sự ngạc nhiên, nếu nhìn từ đẳng cấp hàng đầu trong ngành nước ngọt mà Tân Hiệp Phát đã có.